Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương — Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải — ông Nguyễn Văn Thể đề nghị làm rõ những tiêu cực trong đào tạo bay của Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Chiều 30/7, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết:
"Đó là nội dung tôi viết riêng gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.
Tôi gửi đi từ tháng 6, nhưng đến 25/7, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải mới giao cho văn phòng Bộ yêu cầu Vietnam Airlines giải trình và trả lời Bộ. Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải mới trả lời tôi, còn trả lời như thế nào phải chờ họ".
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh:
"Những gì tôi nêu là sự thật, và tôi có ý kiến vì mục đích xây dựng, cũng như bảo vệ một thương hiệu quốc gia".
Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, từ năm 2013, Vietnam Airlines thực hiện chính sách "xã hội hóa" đào tạo phi công. Tuy nhiên, việc này dẫn đến nhiều bất cập, cùng với những chính sách khi nghỉ việc khiến phi công bức xúc.
Ngoài ra, trước đây trong thời kỳ bao cấp, phi công học ở Pháp, Úc thì việc tuyển chọn "đầu vào" rất khắt khe, từ sức khỏe, kiến thức đến kỹ năng bay. Nhưng kể từ khi "xã hội hóa" việc tuyển chọn chỉ mang tính hình thức, gần như bất kỳ đối tượng nào đủ tiền đóng học (của 1 danh sách các trường do Vietnam Airlines chọn, Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn) là có thể đi học.
Sau khi học các trường này về, học viên được phỏng vấn, kiểm tra kiến thức để chuyển loại máy bay Airbus A321 — bay Simulator (buồng lái mô phỏng). Đây là loại máy bay rất khó để theo học vì đòi hỏi thời gian cũng như trình độ khá trở lên.
Đại biểu Cương cho biết: "Ở các nước phương tây, để được học loại máy bay này họ đòi hỏi rất cao. Ví dụ phải có tối thiểu khoảng 1.000 giờ bay (tùy hãng). Vì vậy, thường xuyên các học viên bị kéo dài thời gian huấn luyện, hoặc trượt các kỳ kiểm tra.
Tiếp theo là quá trình huấn luyện thực tiễn, kết hợp chuyên chở hành khách. Quá trình huấn luyện này liên tục bộc lộ những điểm yếu của quá trình học tập, kỹ năng, khả năng quản lý chuyến bay cũng như kỹ năng hạ cánh máy bay. Thang điểm đánh giá các quá trình huấn luyện từ 1 tới 5 điểm. Nhưng đa số học viên tốt nghiệp chỉ đạt 3 điểm (mức chấp nhận)".
Ông Nguyễn Sỹ Cương thẳng thắn chỉ ra có tình trạng "bôi trơn" cho một lần phỏng vấn chuyển loại máy bay:
"Gần đây nhất, tháng 4/2018 có đơn tố cáo của 1 học viên phi công về một số tiêu cực xảy ra trong quá trình huấn luyện.
Đa số các phi công thuộc diện phỏng vấn này sẽ nhận được điện thoại trực tiếp, đề cập tới việc nộp tiền. Sự việc trên không thể do 1 cá nhân mà phải có tổ chức. Vietnam Airlines lên danh sách học viên dự phỏng vấn, đoàn bay 919 thực hiện phỏng vấn".
Ông Cương nhấn mạnh:
"Thưc trạng mặt bằng chất lượng đang bị giảm sút rất nhiều, nguy cơ xảy ra mất an toàn bay rất cao. Đó là tình trạng đã, đang và sẽ xảy ra và kết quả là chất lượng phi công đa số là kém".
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Vietnam Airlines khẩn trương rà soát, có báo cáo giải trình về các nội dung mà đại biểu Quốc hội nêu.
Văn bản do Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Trí Đức ký nêu rõ, Vietnam Airlines cần trả lời thẳng vào nội dung vấn đề, làm rõ việc có hay không có tình trạng như ý kiến của đại biểu nêu và giải pháp chấn chỉnh. Việc giải trình phải hoàn tất trước ngày mai (31/7).
Một sự cố nghiêm trọng vừa xảy ra với Vietnam Airlines vào ngày 28/7, chuyến bay VN1544 từ Huế đi Hà Nội đã hạ cánh lệch vị trí quy định khi đáp xuống sân bay Nội Bài.
Sự cố trên được một số chuyên gia hàng không đánh giá là nghiêm trọng không như những gì Vietnam Airlines công bố do thời tiết xấu, mưa lớn.
Thực tế cho thấy phần bụng máy bay và càng máy bay dính nhiều bùn đất, cây cỏ và dấu hiệu hư hỏng nặng rất rõ.
Cũng liên quan đến sự cố hạ cánh nhầm đường băng, vào lúc 14h53 ngày 29/4, máy bay của Vietnam Airlines số hiệu VN7344 bay chặng thành phố Hồ Chí Minh — Cam Ranh đã hạ cánh nhầm xuống đường CHC số 02. Đáng nói, đây là đường băng chưa đưa vào khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.
Theo: GDVN