Tham nhũng đã là quốc nạn rồi và sự thành bại của công tác phòng chống tham nhũng quyết định đến sự phát triển của đất nước trong nhiều năm tới. Nguy hiểm hơn, không trị được tham nhũng sẽ triệt tiêu cả động lực xây dựng quốc gia của những người ở thế hệ này và cả mai sau.
Có chức tước, có quyền lực mới tham nhũng chứ dân trơn lấy gì tham nhũng. Bởi vậy, TS Vũ Công Giao (Khoa Luật ĐHQG Hà Nội) mới cho biết mục tiêu của chương trình nhằm đào tạo ra các chuyên gia có kiến thức toàn diện, chuyên sâu về quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng cho các cơ quan, tổ chức đang tham gia vào công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam.
Thật ra, đây cũng chỉ là một chương trình đào tạo như bao chương trình khác của các trường đại học. Ai có nhu cầu, có khả năng thì vào học. Cũng đừng quá kỳ vọng hoặc thất vọng vì nó khi gắn với vấn đề nhạy cảm là tình hình tham nhũng hiện nay.
Cán bộ được xét duyệt đạo đức, tư cách và năng lực mới được bổ nhiệm đảm đương các trọng trách được giao; hằng ngày đều quán triệt tư tưởng, rèn luyện đạo đức, huấn luyện chuyên môn. Thế nhưng, không ít người vẫn nhúng chàm thì do chính bản chất con người đã không thể thay đổi.
Mô hình bộ máy quản trị chống tham nhũng hiệu quả đã có ở nhiều quốc gia: Singapore, Nhật, Phần Lan, Canada, Thụy Điển… Nhiều năm qua cũng có không ít tổ chức đến Việt Nam mở các hội thảo, chương trình chuyên sâu về cùng nội dung. Chúng ta cũng đã có một đội ngũ cán bộ rất lớn từng trải qua các chương trình quản lý nhà nước ở các quốc gia tiên tiến và hiện rất nhiều cán bộ trẻ đang được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Đủ quyết tâm và can đảm mới ngăn chặn được tham nhũng.
Học bao nhiêu lớp chống tham nhũng nhưng một số cán bộ thoái hóa không gột rửa được lòng tham, các cơ quan chức năng không xem cuộc chiến chống tham nhũng là chuyện sống còn với cả quốc gia thì cũng vô ích. Chỉ cần người nắm chức quyền học được liêm chính là người dân sẽ bớt khổ và công cuộc chống tham nhũng đã thành công rồi.
Theo: NLĐ