Nước phát triển nhất cũng phải mơ
Ông Nguyễn Văn Mỹ — Công ty du lịch Lửa Việt bình luận về kết quả thăm dò, khảo sát khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017 được Tổng Cục du lịch Việt Nam thực hiện.
Theo đó, có tới 93,46% số khách quốc tế đến du lịch Việt Nam bày tỏ sự hài lòng và rất hài lòng, 5,91% đánh giá mức bình thường và chỉ 0,63% đánh giá ở mức không hài lòng và rất không hài lòng.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, đây là số liệu quá đẹp, quá tuyệt vời mà ngay cả một đất nước có nền kinh tế, du lịch phát triển bậc nhất thế giới cũng phải mơ ước.
"Kể cả Singapore, Thái Lan…, những quốc gia đứng đầu về du lịch cũng không có được con số hoàn hảo như vậy", ông Mỹ ngạc nhiên.
"Kể cả trong lĩnh vực giáo dục, kinh tế và bây giờ là du lịch, bất cứ con số nào được đưa ra cũng đều khiến dư luận hoài nghi. Sự nghi ngại của dư luận là có cơ sở bởi lẽ những số liệu báo cáo thường không tỏ ra tương thích và phản ánh đúng với chất lượng thực tế", ông Mỹ nói.
"Chỉ mới hôm qua chúng ta còn nhận những phản ánh du khách bị đánh chảy máu đầu, hôm nay lại thấy du khách bị cướp, giật ví, hôm sau nữa lại là tình trạng rác thải đầy đường, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm… Cứ như thế, đến du khách trong nước còn khó chấp nhận, làm sao khách quốc tế hài lòng được?
Tôi lấy ví dụ, chúng ta phát ra 500 phiếu cho 500 khách thì phiếu khảo sát được phân chia theo từng phân khúc du khách cụ thể không? Mẫu khảo sát có ghi đầy đủ các yếu tố như chất lượng dịch vụ như thế nào? Khách sạn mấy sao? Sử dụng những dịch vụ gì… hay không? Ở những nội dung đó du khách phản ánh như thế nào? Nếu đưa phiếu đánh giá sử dụng dịch vụ thấp phát cho du khách ở phân khúc cao, sử dụng dịch vụ của khách sạn 5 sao đánh giá thì đương nhiên sẽ cho ra một kết quả khác, hài lòng hết là dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu có lấy ý kiến cụ thể với từng phân khúc khách hàng khác nhau, tôi tin sẽ cho ra kết quả khác nhau", ông Mỹ phân tích.
Hơn 90% hài lòng sao chỉ có 40% quay trở lại
Ông cho biết, đây lại là một con số gây nhiều tò mò, bởi lẽ ngay cả Thái Lan cũng không có được tỉ lệ này.
"Tôi nghi ngờ tính xác thực của số liệu trên. Báo cáo nói có hơn 90% du khách hài lòng với chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam nhưng thực tế số du khách muốn quay lại Việt Nam là rất ít.
Theo tìm hiểu của tôi, tỉ lệ trên chỉ đạt khoảng mười mấy phần trăm, số còn lại là những du khách quay lại Việt Nam vì lý do công việc, phải trở đi, trở lại Việt Nam, không phải vì du lịch.
Ông Mỹ cho rằng, việc khảo sát, đánh giá sát thực tế là vấn đề rất quan trọng nhằm đánh giá cho đúng chất lượng, dịch vụ du lịch trong nước. Trên cơ sở đó mới đưa ra được giải pháp chữa trị thích hợp cho căn bệnh kinh niên của ngành du lịch trong nước. Tuy nhiên, nếu cứ dựa trên những số liệu thiếu thực tế, không phản ánh đúng bản chất sẽ khiến cả các cơ quan quản lý lẫn ngành du lịch sống trong ảo tưởng, khó thay đổi.