Theo đó, cơ quan thẩm định đánh giá Bamboo Airways có phương án đảm bảo có tàu bay khai thác đáp ứng các yêu cầu của điều 6, Nghị định số 92/2016/NĐ — CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không và có tính khả thi.
Cụ thể, hãng này dự kiến khai thác 3 tàu bay Airbus A320/321 với số lượng 3 chiếc với hình thức thuê khô (chỉ thuê máy bay, tự tổ chức đội bay, tiếp viên). Số lượng tàu bay này có thể nới thêm đến 10 chiếc trong giai đoạn 2019 — 2023, tương thích với quy mô vốn điều lệ 700 tỷ đồng mà Bamboo Airways đăng ký với nhà chức trách.
Bất chấp việc tuyên bố là đã ký hợp đồng thoả thuận mua 24 máy bay A321NEO với Tập đoàn Airbus với tổng giá trị hợp đồng theo niêm yết là 3,108 tỷ USD và ký biên bản ghi nhớ mua 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner nhưng tại thời điểm nộp hồ sơ (14/6/2018), Bamboo Airways mới chỉ có thỏa thuận với CDB Aviation Lease Finance (Hongkong) về việc thuê khô 3 tàu bay A320 mới với thời hạn 8 năm.
"Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Bamboo Airways đầy đủ, hợp lệ, đáp ứng các điều kiện về vốn, phương án đảm bảo có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy và phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp", Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.
Trong báo cáo gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam cho biết là đã khuyến cáo Bamboo Airways trong việc thực hiện đúng chiến lược phát triển đội tàu bay và kế hoạch phát triển 5 năm cho giai đoạn 2019 — 2023 đã đăng ký trong hồ sơ xin cấp phép để đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo an toàn bay, an ninh, chất lượng dịch vụ cũng như không gây áp lực lên hạ tầng cảng hàng không, năng lực giám sát an toàn của nhà chức trách.
"Cục Hàng không Việt Nam sẽ giám sát chặt chẽ quy trình xin cấp AOC của Bamboo Airways cũng như việc thực hiện đúng quy định của Luật Hàng không dân dụng về việc thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và kinh doanh vận chuyển hàng không", lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định.
Theo: Báo Đầu Tư