Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hoàng Giáp — giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh — cho rằng, việc mở hẳn chương trình đào tạo sau đại học về phòng chống tham nhũng là không cần thiết.
Vì theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Giáp, nội dung về phòng chống tham nhũng đã có ở nhiều môn học về pháp luật, xây dựng đảng, chính trị học.
"Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề này trong chương trình đào tạo", PGS.TS Nguyễn Hoàng Giáp nói.
Theo PGS, đi sâu vào nghiên cứu về phòng chống tham nhũng hầu hết là cán bộ làm công tác xây dựng Đảng, về công tác tổ chức và kiểm tra, do đó đối tượng cần đào tạo nên thuộc nhóm này.
Như vậy, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, có thể thấy việc đào tạo thạc sĩ luật học về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng về cơ bản là nằm trong đào tạo chuyên ngành luật hình sự nói chung.
Luật sư Thơm cho rằng, dưới góc độ pháp luật hình sự, nhóm tội liên quan đến tham nhũng là do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, trừ trường hợp đồng phạm.
"Do đó, việc đào tạo về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng nên được thực hiện trong nội bộ các trường Đảng, trường bồi dưỡng cán bộ sẽ mang lại hiệu quả thực tiễn hơn", luật sư Thơm nêu quan điểm.
"Cứ mở ngành, đào tạo tràn lan rồi không biết các thạc sĩ phòng chống tham nhũng sẽ làm ở đâu và cơ quan, tổ chức nào tiếp nhận", luật sư Thơm băn khoăn.
Trước đó, ngày 2.8, Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội đã công bố Chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng.
Chương trình này được xây dựng với mục tiêu đào tạo chuyên gia có kiến thức toàn diện, chuyên sâu cho cơ quan, tổ chức có nhu cầu về lĩnh vực này ở Việt Nam, như: Cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, cơ sở học thuật, cơ quan truyền thông…
Đối tượng tuyển sinh được mở rộng gồm những người có bằng tốt nghiệp đại học ngành Luật, những người có bằng tốt nghiệp các ngành liên quan mật thiết đến quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng.