Đồng chí Tôn Đức Thắng sinh ngày 20 tháng 8 năm 1888 trong một gia đình nông dân nghèo tại Cù Lao Ông Hổ, tổng Bình Thành, tỉnh Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Với ý chí quật cường yêu quê hương, đất nước, ngay khi là công nhân, đồng chí Tôn Đức Thắng đã sớm thức tỉnh tinh thần yêu nước.
Năm 1912, khi mới 24 tuổi, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tổ chức và lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Nhà máy sửa chữa tàu thủy Ba Son, mở đầu cho cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian lao nhưng rất vinh quang của người.
Năm 1916, đồng chí Tôn Đức Thắng bị động viên sang Pháp để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Sau 3 năm làm công nhân ở Pháp, năm 1919, Tôn Đức Thắng trở lại Sài Gòn trong hành trang của người thủ lĩnh phong trào thanh niên, phong trào công nhân, đã có thêm kinh nghiệm tổ chức hoạt động của Công đoàn, nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi cho giai cấp công nhân.
Ý thức việc cần phải lập ra Công hội để công nhân tập hợp, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, bênh vực nhau trong việc đòi chủ đảm bảo quyền lợi thiết thực cho mình. Tuy nhiên, do điều kiện tại Việt Nam chưa chín muồi, nên tổ chức phải hoạt động bí mật. Dó đó, tổ chức Công hội tại Sài Gòn đã bí mật ra đời vào cuối năm 1920 trở thành tổ chức Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.
Lý giải về việc phải ra đời, hoạt động bí mật của tổ chức Công hội — tiền thân sơ khai của tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày nay, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật cho biết: Đồng chí Tôn Đức Thắng đã vận dụng sáng tạo mô hình Nghiệp đoàn Pháp trong điều kiện thuộc địa của Việt Nam lúc bấy giờ, nhưng do ở Việt Nam, Nghiệp đoàn không thể thành lập công khai mà chỉ có thể hoạt động bí mật.
Theo đó, những hội viên đầu tiên thời đó đã phân công nhau đến các nhà máy, xí nghiệp trong thành phố để bí mật tuyên truyền và kết nạp hội viên mới. Từ các cơ sở ban đầu, nhóm nòng cốt của đồng chí Tôn Đức Thắng đã nhanh chóng tỏa đi các tỉnh, thành phố xây dựng cơ sở của Công hội tại Dầu Tiếng, Trà Vinh, Dĩ An…
Cuộc bãi công sau đó chuyển sang lãn công của công nhân Ba Son đã diễn ra thành công, không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị quan trọng.
"Giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đã và sẽ luôn tự hào về người thợ tiêu biểu Tôn Đức Thắng vì những cống hiến của Người trên phương diện tổ chức và hoạt động công đoàn. Bởi đồng chí Tôn Đức Thắng là người đã mang ánh sáng của cách mạng Tháng Mười Nga, ánh sáng của cách mạng vô sản về soi sáng phong trào công nhân và phong trào cách mạng trong nước.
Đặc biệt, từ kinh nghiệm hoạt động Nghiệp đoàn ở Pháp, đồng chí Tôn Đức Thắng đã thành lập ra tổ chức Công hội bí mật — hình thức tổ chức sơ khai đầu tiên của tổ chức Công đoàn Việt Nam.", Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật khẳng định.