Tờ VOV thông tin, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa kí công văn gửi đến Sở Y tế Vĩnh Long yêu cầu xác minh về trường hợp tử vong của Thiếu úy Nguyễn Đức Đạt, 26 tuổi, công tác tại Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế — ma túy Công an huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long do ngộ độc chất ma túy trong quá trình truy bắt tội phạm.
Liên quan đến vụ việc, theo tờ Zing.vn, báo cáo của Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long cho hay, lúc 23h52 khuya 13/7, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Đạt trong tình trạng kích động, la hét, hoảng loạn.
Người nhà đi cùng đã khống chế và đưa bệnh nhân vào phòng cấp cứu. Bác sĩ trực nhận định đây là tình trạng rối loạn hành vi, biểu hiện của bệnh lý tâm thần cấp tính.
Bác sĩ giải thích rằng, bệnh viện không có chuyên khoa sâu về tâm thần nên đề nghị người nhà đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Tâm thần.
Lúc 0h15 ngày 14/7, khi bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Tâm thần, thiếu úy Đạt đã hôn mê sâu, mất ý thức. Khoảng sau một giờ hồi sức tích cực, bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở và tử vong.
Theo cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long, kết quả giám định chất lỏng mà Thiếu úy Đạt uống là ma tuý loại methamphelamine (ma tuý đá) thể tích 500 ml. Nguyên nhân tử vong: Do ngộ độc chất ma tuý methamphelamine.
Bác sĩ Lê Mạnh Cường — Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 120 chia sẻ trên Đất Việt:
"Nếu như bệnh nhân có biểu hiện ngáo đá, đập phá thì nhiều khi rất khó làm các vấn đề khám chữa, bác sĩ rất khó tiếp cận để chuẩn đoán bệnh".
Vị bác sĩ này cũng nêu ra hàng loạt câu hỏi.
Thứ hai, theo bác sĩ Cường, trong lúc đi bắt tội phạm thì bản thân bệnh nhân trên có đồng đội chứ không đơn độc, khi đồng đội vào bệnh viện thì phải trình bày hết cho bác sĩ để họ tiếp cận, khám chữa.
Bình thường, theo nghiệp vụ của các chiến sĩ công an, chỉ cần uống vào một lúc là sẽ thấy hiện tượng lạ, sẽ biết uống nhầm ngay, vì họ đã quá quen với triệu chứng ngáo đá.
Ở đây phải đặt ra câu hỏi, vì sao chủ nhà cho anh Đạt nước để uống lại có ma túy đá, thường thì sẽ có thuốc giải độc, nghiệp vụ của công an thường rất nhạy.
Thứ ba, khi phát hiện có dấu hiệu uống phải ma túy đá bên công an sẽ đưa vào chỗ trung tâm chống độc luôn để xử lý.
"Ở đây trong quy trình xử lý bên phía đơn vị cũng như bệnh viện cần có điều tra để xem lại", ông Cường băn khoăn.
Bà Trần Thị Xuân Tươi (mẹ thiếu úy Đạt, ngụ P.9, TP.Vĩnh Long) kể lại, vào tối 13/8, anh Đạt cùng đồng đội vây bắt các tụ điểm mua bán ma túy tại xã Long Phước, huyện Long Hồ.
Trong quá trình vây bắt các nghi phạm đưa lên xe về trụ sở công an xã làm việc, do khát nước nên khi thấy ca nước tại nhà nghi phạm, thiếu úy Đạt đã uống.
Trên đường về trụ sở Công an xã Long Phước, thiếu úy Đạt có biểu hiện khó chịu nên kêu đồng đội còng tay mình lại do lo sợ không kiểm soát được hành vi, sau đó báo gia đình Đạt biết để cùng đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Bà Tươi đau đớn chia sẻ:
"Lúc con tôi ở BVĐK tỉnh Vĩnh Long, gia đình tôi nài nỉ nhờ bác sĩ cấp cứu nhưng ổng bảo ca này phải đưa qua BV Tâm thần.
Đến khi con tôi qua BV Tâm thần dù biết hết đường nhưng tôi kêu 2 đứa con xoa tay chân rồi làm hô hấp cho nó mong nó thở lại, nhưng mọi chuyện quá muộn.
Chúng tôi lại đưa nó trở lại BVĐK tỉnh Vĩnh Long một lần nữa thì nó đã chết".