Robert Huynh là con trai của một quân nhân Mỹ, dù ông chưa bao giờ được gặp cha. Mẹ của ông là người Việt, ông ra đời trong cuộc chiến nổ ra cách đây 50 năm.
Ngày nay, khi đã 48 tuổi, có một con trai và 2 cháu, ông Huynh đối mặt với viễn cảnh bị trục xuất về Việt Nam, đất nước ông chưa từng về thăm sau khi rời khỏi, nơi ông không có bất kỳ bạn bè hay người thân nào.
Người gốc Việt cũng đóng thuế như công dân Mỹ
Huynh chỉ là một trong số 8.000 người Việt đang bị đe dọa bởi chính sách nhập cư "không khoan nhượng" của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Từ khi ông Trump lên nắm quyền, nhiều người có thẻ xanh nhưng chưa được công nhận là công dân Mỹ hoặc vi phạm pháp luật đã bị trục xuất.
Ông Huynh, người đang làm việc tại tiệm làm móng của gia đình, từng nhiều lần đối mặt với những bản án hình sự. Thời còn trẻ, ông ngồi tù 3 năm vì tội buôn bán ma túy. Gần đây, ông bị chính quyền quản chế trong 1 năm vì lái xe trong lúc say rượu, bị kết thêm án vì hoạt động đánh bạc trái phép cùng bạn gái tại Texas.
Huynh thừa nhận ông phạm nhiều sai lầm, nhưng ông khẳng định bản thân chấp nhận mọi hình phạt và đang cố gắng làm lại cuộc đời ở nước Mỹ. Giờ đây, Huynh có nguy cơ mất tất cả.
"Mẹ tôi giờ đã 83 tuổi, tôi muốn ở bên cạnh khi bà nhắm mắt xuôi tay", Huynh trả lời phỏng vấn của New York Times. "Tôi không có ai ở Việt Nam cả. Cuộc đời tôi là ở Mỹ".
Sau năm 1975, gần 1,3 triệu người Việt Nam nhập cư vào Mỹ. Phần lớn được chính phủ Mỹ cấp thẻ xanh, nhưng rất nhiều người trong số họ, điển hình như ông Huynh, không được học tiếng Anh, không được giáo dục, không được trợ giúp về mặt pháp lý để được cấp quyền công dân.
Nhiều người đến Mỹ khi còn là một đứa trẻ, họ cũng được đi học, sau đó đi làm, lập gia đình và trả thuế như mọi công dân Mỹ bình thường. Nhưng nhiều thập kỷ sau, cuộc sống họ có nguy cơ bị xáo trộn, gia đình họ có thể bị chia cắt.
Giờ đây, Nhà Trắng khẳng định bất kỳ người nào chưa được công nhận là công dân Mỹ và phạm tội sẽ bị trục xuất.
Nhiều nhà hoạt động bất bình trước quy định này, họ cáo buộc chính quyền Trump đi ngược lại thỏa thuận được ký kết năm 2008. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tranh luận rằng thỏa thuận được Mỹ và Việt Nam thống nhất có ghi rõ hai bên "vẫn giữ quan điểm pháp lý" đối với những người nhập cư trước năm 1995.
"Quan điểm của Mỹ là mọi quốc gia đều có nghĩa vụ pháp lý quốc tế phải tiếp nhận công dân của nước họ bị chính phủ nước khác trục xuất", New York Times dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Góc nhìn của chính quyền Trump là thỏa thuận năm 2008 không hướng đến mục tiêu bảo vệ người nhập cư khỏi sự đàn áp chính trị trong trường hợp họ bị trao trả về Việt Nam.
"Thời điểm đó, chúng ta ở trong giai đoạn (Việt Nam) không tiếp nhận bất kỳ công dân nào bị trục xuất khỏi Mỹ", nguồn tin của New York Times cho biết. "Về mặt lý thuyết, thỏa thuận năm 2008 mang ý nghĩa 'Hãy cùng thiết lập một hệ thống hiệu quả và cố buộc họ (Việt Nam) nhận lại ít nhất phần nào đó những công dân phạm tội'".
Chính sách nhập cư gây nhiều bi kịch
Ông Brendan Raedy, quan chức thuộc Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE), khẳng định nhân viên phụ trách các vấn đề nhập cư tập trung vào "những cá nhân được xem là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, trật tự công cộng và an ninh biên giới".
Ít nhất 57 công dân Việt Nam nhập cư vào Mỹ trước năm 1995 đã bị ICE bắt giữ hồi tháng 6, 11 người khác đã bị trục xuất, theo số liệu được ICE cung cấp cho các luật sư. Nhiều người Việt phải tìm mọi cách để được cấp giấy căn cước, nếu không, họ sẽ không được đi làm, thậm chí không được lái xe.
"Vài người phạm tội khi mới nhập cảnh vào những năm 1990, họ phải sống trong những khu dân cư nghèo và thường bị bắt nạt", ông Phi Nguyen, giám đốc pháp lý của Hội Atlanta về Tư pháp tiến bộ cho người Mỹ gốc Á, cho biết. Ông Nguyen đã gửi đơn khiếu nại đến tòa án bang California liên quan đến số người Việt đang bị ICE giam giữ.
Ông Huynh từng nhận lệnh trục xuất sau khi ông ra tù năm 2006, sau đó bị giam giữ thêm 4 tháng trước khi chính quyền chấp nhận rằng Việt Nam sẽ không tiếp nhận ông.
Đến năm 2017, sau khi Huynh bị kết tội hoạt động đánh bạc trái phép, ông bị quản chế 1 năm và phải trình diện chính quyền địa phương mỗi tháng.
"Hai tháng đầu, tôi đến trình diện như bình thường, khi ấy ông Obama còn là tổng thống. Đến tháng thứ 3, tức tháng 2/2017, ông Trump đã chính thức nắm quyền và ICE bắt tôi ngay khi vừa rời khỏi cơ quan trình diện", ông cho biết.
Huynh có thể sẽ bị cơ quan nhập cảnh tạm giữ thêm 1 năm nữa.
"Tôi còn quá trẻ, tôi không biết nói tiếng Anh, tôi bị bắt nạt ở trường, vì vậy tôi đến ở nhờ một gia đình có số phận tương tự để tìm kiếm một mái ấm", Nguyen nói. Theo ông, điều này đồng nghĩa với việc giao du với tầng lớp "xã hội đen" người Việt.
Năm 1994, khi Tung Nguyen 16 tuổi, ông dính vào một vụ ẩu đả gây chết người, bắt nguồn từ một cuộc tranh luận về "thái độ". Tung cầm dao nhưng không trực tiếp đâm nạn nhân, ông bị kết án 25 năm tù. Sau 18 năm ngồi tù, Thống đốc bang California Jerry Brown xem xét lại trường hợp của ông và ký lệnh tha tù trước thời hạn vì ông đã "phục hồi nhân phẩm một cách tuyệt vời".
Từ đó, Tung cống hiến bằng việc giúp đỡ phạm nhân và các bị cáo người Mỹ gốc Việt, đồng thời đấu tranh cải cách hình phạt dành cho trẻ vị thành niên. Năm 2014, ông kết hôn. Năm 2018, Tổ chức Xã hội Mở trao học bổng về tư pháp cho ông, công nhận ông là "một cá nhân xuất sắc" luôn hướng đến mục tiêu cải thiện hệ thống tư pháp Mỹ.
"Tôi không có con bởi lẽ tôi không thể yên ổn khi biết rằng một ngày nào đó, họ sẽ đến bắt tôi, buộc tôi phải rời xa gia đình", ông nói. "Đây là cuộc sống của tôi, đây là nhà của tôi".
"Đối với tôi, (chính sách này) vô cùng bi thảm và không 'Mỹ' chút nào", cựu đại sứ nói.
Năm 2016, ông Huynh đoàn tụ với gia đình họ nội, sau khi nhận kết quả xét nghiệm DNA. Ông đồng thời nhận được một tin buồn và một tin vui. Tin buồn là cha ruột của ông đã qua đời trong một tai nạn giao thông vào năm 1974 khi ông mới lên 4. Tin vui là ông được anh trai, chị gái cùng cha khác mẹ và 2 người dì chấp nhận.
"Cả 2 dì đều rất thương tôi", Huynh nói. Ông khẳng định mình không thể rời bỏ gia đình khó khăn lắm mới được đoàn tụ.