Trả lời phỏng vấn Zing sáng 4/9, HLV Park Hang-seo nói vui: "Tất nhiên là tôi đồng ý ký hợp đồng mới rồi. Hy vọng các bạn (báo chí) tạo áp lực với Liên đoàn để họ ký hợp đồng với tôi".
Nghe đến đây, nhiều người đã khấp khởi mừng thầm bởi với phát biểu trên, thầy Park gần như cam kết sẽ tiếp tục gắn bó với bóng đá Việt Nam.
Khi tiền bạc là vấn đề khó
Những thành công vượt bậc trong năm 2018 với ngôi á quân U23 châu Á và vị trí thứ 4 tại ASIAD 18 giúp danh tiếng, uy tín của HLV Park Hang-seo "phủ sóng" rộng khắp châu Á.
Dẫu vậy, mức lương của HLV Park Hang-seo hiện chỉ nằm ở nhóm cuối của châu lục. Thậm chí trong khu vực Đông Nam Á, thu nhập của thầy Park cũng bị lép vế so với một số đồng nghiệp "hàng xóm", những người có bảng thành tích thua xa ông trong thời gian qua.
Với 22.000 USD/tháng, thu nhập của HLV Park Hang-seo chỉ đứng thứ tư tại Đông Nam Á. Dẫn đầu về mức lương là HLV Luis Milla của Indonesia với 160.000 USD/tháng, tiếp theo là Milovan Rajevac của Thái Lan với 100.000 USD, gần gấp 5 mức lương của chiến lược gia người Hàn Quốc.
Trong bóng đá, thu nhập là thước đo phản ánh chính xác nhất đẳng cấp của một HLV hay một cầu thủ. Con số 22.000 USD, ở một chừng mực nào đó, là sự thiệt thòi của HLV Park Hang-seo.
Tất nhiên, nên nhớ rằng trước khi sang Việt Nam, thầy Park còn đang lận đận với Changwon FC tại giải hạng ba Hàn Quốc và thậm chí nhiều người khẳng định 22.000 USD/ tháng là quá cao so với ông.
Tuy vậy, với những gì đã làm được cho bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang-seo xứng đáng với một bản hợp đồng mới cùng mức đãi ngộ tương xứng hơn.
22.000 USD chẳng thấm vào đâu so với mặt bằng chung trong châu lục, thế nhưng đó đã là kịch khung cho lương HLV đội tuyển quốc gia và là cả một sự nỗ lực từ phía VFF. Giờ đây, khi thầy Park xứng đáng với mức đãi ngộ cao hơn, bài toán kinh tế sẽ là vấn đề hóc búa với những người làm bóng đá nước nhà.
Dù sao, thầy Park cũng là HLV chuyên nghiệp và ông cần mức thù lao tương xứng với tài năng cũng như công sức mình bỏ ra. Thật khó để có thể từ chối nếu bây giờ, một lời đề nghị "béo bở" được gửi tới HLV Park Hang-seo.
Năm 2016, HLV Bruno Garcia Formoso giúp ĐT Futsal Việt Nam "quật ngã" ĐT Futsal Nhật Bản để giành vé tham dự vòng chung kết World Cup Futsal 2017. Một năm sau thành tích vang dội đó, chúng ta bị chính người Nhật "cuỗm" mất ông thầy người Tây Ban Nha với mức đãi ngộ hậu hĩnh.
Bài học nhãn tiền của futsal vẫn còn đó và chắc chắn VFF không muốn điều tương tự xảy ra với HLV Park Hang-seo.
"Ngày 25/10 tới sẽ là tròn một năm tôi đặt chân tới Việt Nam và tôi đang cảm thấy hạnh phúc tại đất nước của các bạn. Tôi đã có quãng thời gian đầy ý nghĩa và đáng nhớ, đặc biệt khi được ở bên cạnh các cầu thủ. Chúng tôi sẽ cố gắng để có thêm nhiều hơn nữa những khoảnh khắc như vậy", thầy Park chia sẻ.
Câu trả lời với những từ ngữ mộc mạc, giản dị nhưng ẩn sâu bên trong đó là tình cảm mãnh liệt với các cầu thủ, với đất nước, với con người Việt Nam. Từ một người Hàn Quốc bị chối bỏ khi mới đặt chân tới đây, giờ ông đã là người hùng của hàng triệu người yêu bóng đá Việt Nam.
Dù yêu công việc, yêu cầu thủ đến vậy, chắc chắn thầy Park vẫn khó có thể tránh khỏi những khoảnh khắc cô đơn nơi đất khách quê người. Bởi suy cho cùng, ông vẫn là một công dân Hàn Quốc và trái tim của ông luôn hướng về gia đình, về mảnh đất nơi ông sinh ra và lớn lên.
Khi ra đi, ông là cái tên không mấy ai để ý tại xứ sở kim chi nhưng sau những chiến tích lẫy lừng vừa qua, vị thế của thầy Park tại Hàn Quốc đã thực sự thay đổi.
Sự quan tâm của giới truyền thông Hàn Quốc tại ASIAD là bằng chứng cho thấy ông Park đã thực sự có vị thế lớn hơn ở quê nhà. Thậm chí một ngôi sao lớn như Son Heung-min cũng dành cho chiến lược gia 59 tuổi những sự tôn trọng nhất định.
Nếu các đội bóng lớn của Hàn Quốc để mắt tới HLV Park Hang-seo, không loại trừ khả năng "thầy phù thủy" của bóng đá Việt Nam sẽ hồi hương. Bởi suy cho cùng, thầy Park năm nay đã 59 tuổi và ông muốn dành nhiều thời gian hơn bên cạnh gia đình, người thân trong những năm cuối sự nghiệp huấn luyện của mình.