Đề nghị quy định sĩ quan quân đội và công an kê khai tài sản
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trước đó, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai như quy định của dự thảo Luật; ý kiến khác đề nghị bổ sung đối tượng có nghĩa vụ kê khai là sĩ quan Quân đội nhân dân và sĩ quan Công an nhân dân.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng chống tham nhũng trong tình hình hiện nay. Đồng thời, dự thảo luật cũng được chỉnh lý theo hướng mở rộng các đối tượng kê khai lần đầu là sĩ quan quân đội nhân dân và sĩ quan công an nhân dân.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) cho rằng, nếu không quy định bố, mẹ, con thành niên kê khai tài sản lần đầu thì chưa xoáy vào "tảng băng chìm" vì nhiều minh chứng thực tiễn khiến dư luận dậy sóng khi nhiều ông bố, bà mẹ bỗng dưng sở hữu nhiều tài sản, biệt phủ, xe sang. Một số vụ án cũng cho thấy tài sản bị tẩu tán cho người thân.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) có cùng quan điểm cần mở rộng đối tượng là bố, mẹ và con thành niên cần kê khai nhưng cho rằng chỉ nên áp dụng vớingười giữ chức vụ quan trọng trong cơ quan Đảng, Nhà nước và ở cơ quan thuộc lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng.
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) cũng cho rằng, việc không quy định bố, mẹ, con thành niên phải kê khai tài sản là "lỗ hổng" trong luật hiện hành cần sửa đổi. Đây là vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm vì nó không còn là "kẽ hở" nữa mà là "cửa" cho đối tượng tham nhũng chuyển tài sản tham nhũng vào.
"Có cô gái trẻ, nhà nghèo, công tác bình thường nhưng khi thành "hot girl" lại có khối lượng tài sản lớn mà không biết từ đâu ra, ai cũng thấy nhưng cơ quan chức năng bó tay. Lỗ hổng là ở chỗ này" — ông Diến dẫn chứng và đề nghị quy định kê khai lần đầu áp dụng với cả bố, mẹ và con thành niên.
Đồng ý với ông Vượt là thực tế có người trẻ chưa thấy làm gì đã có khối tài sản khổng lồ khiến dư luận bàn tán nhưng đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) lại cho rằng, nếu mở rộng thì tính khả thi của luật sẽ giảm dù về mặt tâm lý người dân đồng tình.
"Nếu mở rộng cả cha, mẹ, con thành niên kê khai thì còn ông, bà và cháu đích tôn thì sao? Lại vẫn cứ lọt. Rồi nếu những người trên kê khai nhưng không giải trình được tài sản thì xử lý thế nào vì họ không thuộc đối tượng điều chỉnh trong luật. Còn nếu áp dụng biện pháp dân sự thì ai làm, ai chứng minh?" — ông Tô Văn Tám băn khoăn.
Xử lý tài sản bất minh: Nên qua quy trình tố tụng tại toà án
Bản dự thảo mới nhất luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) trình ra Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách nêu 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm của cán bộ mà không giải trình được nguồn gốc là xem xét giải quyết tại toà án và phương án đánh thuế.
Theo quan điểm của UBTVQH thì nên lựa chọn phương án xem xét, quyết định tại toà án. Theo đó, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ chuyển Kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình.
Tòa án ra quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc hoặc bác yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp quyết định người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.
Ưu điểm của các phương án này, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật PCTN hiện hành; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN.
"Việc giao cho Tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình cũng bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và bảo đảm quyền lợi của các bên. Đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng" — bà Lê Thị Nga nói.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Đinh Duy Vượt nhất trí với phương án quy định là phán quyết sau cùng do Tòa án xem xét, quyết định, thông qua thủ tục tố tụng công khai. Theo đại biểu, giải pháp này phù hợp với thông lệ nhiều nước đang thực hiện.
Phương án thu thuế (45%) với những tài sản không giải trình được về nguồn gốc hình thành, ông Vượt phân tích là không khả thi, không phù hợp với thực tiễn và dễ bị lạm dụng. Thu thuế thì vô hình chung nhà nước hợp lý hoá, công nhận tài sản bất minh, tạo kẽ hở cho rửa tiền, dung túng cho tham nhũng còn đất sống…
Đồng quan điểm với đại biểu Đinh Duy Vượt, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cũng chọn phương án xử lý tài sản bất minh qua quy trình tố tụng tại toà án. Vấn đề này đưa ra trước toà sẽ có cả một hội đồng xem xét, được tranh luận thoải mái và khi không thuyết phục được là tài sản hợp pháp thì rõ ràng phải thu. Điểm mạnh của phương án này, theo ông Phương, thể hiện được nguyên lý là tài sản đã không giải trình được thì phải tịch thu chứ không "mặc cả", nhượng bộ.
Ngoài ra, theo địa biểu Bùi Văn Phương, cần công khai minh bạch các loại thông tin để chặn tham nhũng. Đại biểu nhận xét, vấn đề này dường như đã bị bỏ quên trong dự thảo luật. Nếu đề cao vai trò giám sát của báo chí, người dân, dư luận mà lại không buộc công khai thông tin thì cách nào giám sát? Ông Phương đề nghị, các lĩnh vực nhạy cảm lâu nay chưa thực hiện công khai thông tin như dự án đầu tư công, đấu thầu, giao đất… dễ phát sinh chuyện thoả thuận, chia chác cần được quy định cụ thể trong luật này, dẫn chiếu tới các luật khác chặt chẽ. Quy định như vậy sẽ giúp cơ quan truyền thông, dư luận phát giác những điểm vô lý của các dự án, như vậy, ai muốn làm khuất tất cũng không thể làm được.