Theo những người quan sát, sau cuộc thảo luận ngắn gọn nhưng rất sôi nổi về cách diễn đạt các điều trong bản tuyên bố chung theo định dạng Astana, các nhà lãnh đạo — Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani — đã tìm được sự thỏa hiệp và đã thông qua bản tuyên bố chung bao gồm 12 điểm. Văn kiện nhấn mạnh rằng, tất cả ba bên đều cam kết tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Syria, cũng như mục đích và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Văn kiện viết, ba nước có ý định tiếp tục hợp tác đến khi diệt trừ toàn bộ và triệt để các phần tử khủng bố và ổn định lại tình hình ở Syria, nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục nỗ lực để bảo vệ thường dân và cải thiện tình hình nhân đạo ở Syria. Lãnh đạo của ba nước cũng coi cần thiết phải đơn giản hóa quá trình soạn thảo hiến pháp cho Syria để văn bản mới được thông qua càng sớm càng tốt.
Hội nghị thượng đỉnh ở Tehran được tổ chức trong giai đoạn khó khăn nhất khi tình hình Syria diễn biến theo chiều hướng cực kỳ căng thẳng, chủ yếu xung quanh Idlib. Dễ hiểu tại sao Idlib đã trở thành chủ đề chính trong cuộc gặp của ba nhà lãnh đạo.
Xin nhắc lại rằng, Idlib là tỉnh duy nhất ở Syria còn nằm trong tay các nhóm vũ trang bất hợp pháp.
Hiện tại, mọi người đều đồng ý rằng, các phần tử vũ trang trong các nhóm được Liên Hợp Quốc chỉ định là những kẻ khủng bố phải bị tiêu diệt. Nhưng, sự khác biệt liên quan đến những phương pháp thực hiện nhiệm vụ này. Vấn đề là ở chỗ: những kẻ khủng bố cố ý di chuyển vào các nhà dân và trộn lẫn với dân thường. Và chiến dịch quân sự quy mô lớn trên mặt đất mà Damascus đang chuẩn bị có thể dẫn đến con số thương vong lớn trong dân thường.
Tuy nhiên, chính phủ Syria quyết tâm tiêu diệt những kẻ khủng bố trong cuộc tấn công vào Idlib để tuyên bố về chiến thắng cuối cùng. Bộ trưởng Syria về hòa giải Ali Haidar cũng cho biết, xác suất hoạt động chiến sự ở tỉnh Idlib thực sự cao, nhưng, ông nhấn mạnh rằng, vẫn còn khả năng tiến hành cuộc đàm phán.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết, ông lo ngại rằng ở Idlib có thể xảy ra vụ thảm sát, và Thổ Nhĩ Kỳ không có khả năng tiếp nhận những người tị nạn tràn ngập qua biên giới.
Ngay sau Hội nghị thượng đỉnh Tehran, Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố rằng, "Theo thỏa thuận đạt được, Idlib là một trong bốn khu vực giảm leo thang căng thẳng. Ở Idlib chúng tôi có 12 trạm quan sát, ở đây cũng có phe đối lập ôn hòa, họ đã đến đây từ Aleppo và Đông Ghouta. Chúng tôi đã nhiều lần lưu ý rằng, không được tấn công vào dân thường dưới cái cớ chiến đấu với Jabhat an Nusra. Hành động như vậy sẽ dẫn đến thảm họa nhân đạo và làn sóng người di cư mới. Không được để Thổ Nhĩ Kỳ phải "trả giá đắt đến thế" cho điều đó. Chúng tôi chắc chắn ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố, nhưng, mỗi bước nên được thực hiện theo định dạng Astana với sự nhất trí của cả ba quốc gia bảo lãnh thỏa thuận ngừng bắn ở Syria". Đồng thời, ông Erdogan chống lại chiến dịch quân sự của quân đội Syria ở Idlib, để ngăn chặn nguy cơ Idlib bị "tắm máu".
Nhân tiện xin nói luôn, theo ước tính của các tổ chức nhân đạo quốc tế, cuộc tấn công sắp tới vào Idlib có thể dẫn đến việc, khoảng 700 nghìn người có thể trở thành những người tị nạn, và đa số sẽ tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, có khả năng hàng chục nghìn chiến binh của các nhóm khác nhau, bao gồm cả Al-Qaeda, sẽ lao vào Thổ Nhĩ Kỳ cùng với những người tị nạn. Và đây là mối nguy cơ nghiêm trọng nhất đối với Erdogan.
Tất nhiên, lập trường của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là dễ hiểu. Những người tị nạn mới có thể gây cơn đau đầu mới. Nhưng, không chỉ như vậy. Thổ Nhĩ Kỳ cần đến Idlib. Ankara đang cố gắng củng cố vị trí của mình ở phía tây Syria để tăng cường ảnh hưởng đối với những người Kurd trong khu vực. Vào đầu năm nay, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu chiến dịch "Cành Ô liu" chống lại các đơn vị bán quân sự của người Kurd ở miền bắc Syria. Vào tháng 3 quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm Afrin. Trong thời gian cuộc xung đột ở Syria, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bám chắc vào một số khu vực ở phía tây nước này. Vì vậy, một mặt, Ankara theo đuổi lợi ích của mình trong quan hệ với người Kurd, mặt khác Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng kiểm soát tốt hơn các phiến quân đang hiện diện ở Idlib.
Ngày 8/9, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã tuyên bố: "Chúng tôi đã nỗ lực tối đa để phân biệt giữa các nhóm phiến quân ôn hòa và cực đoan. Chế độ Assad muốn tấn công vào Idlib dưới cái cớ ở đây đang hiện diện những kẻ khủng bố. Mục tiêu của chúng tôi là ngăn chặn cuộc tấn công vào Idlib".
Nói chung, Mỹ, Đức và các đồng minh phương Tây khác của Washington đều ủng hộ lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tìm kiếm các phương pháp khác để tiêu diệt những kẻ khủng bố ở Idlib, nhằm ngăn chặn chiến dịch quân sự quy mô lớn.
Bản thân Mỹ không có ý định rời khỏi Syria trong tương lai gần. Hơn nữa, Washington đã phát triển một chiến lược mới về Syria, họ sẽ tiếp tục triển khai các lực lượng quân sự ở đó. Ngoài ra, Hoa Kỳ đang triển khai một trạm radar mới ở phía đông tỉnh Hasaka để áp đặt một vùng cấm bay trên vùng trời phía đông Syria.
Tất cả điều đó cho thấy rằng, sự căng thẳng ngày càng tăng ở Syria, chủ yếu xung quanh Idlib.
"Nếu cuộc tranh luận xung quanh vấn đề Syria không thay đổi trong những ngày tới thì Idlib có thể gây ra cuộc đối đầu quốc tế", — ông Abdel Bari Atwan, tổng biên tập tạp chí Rai al-Youm trực tuyến, cảnh báo.
Trên thực tế, tỉnh này của Syria là quan trọng đối với tất cả các bên tham gia xung đột, đồng thời mỗi bên có kế hoạch riêng để giải quyết vấn đề Idlib. Đôi khi những kế hoạch này chồng chéo lên nhau. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả khó lường trước được và không mong muốn.
"Người kiểm soát Idlib sẽ kiểm soát cả nước", — nhà khoa học chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ Zamir Zalha nhận xét.
Theo ông, mỗi cầu thủ đều có lợi ích riêng trong Idlib, và tất cả đều sẵn sàng chiến đấu vì nó.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rõ lập trường của Nga: "Chúng tôi xuất phát từ quan điểm rằng, mọi người sẽ lắng nghe lời kêu gọi của Nga đạt tới sự hòa giải ở khu vực Idlib. Hy vọng rằng, các chiến binh "sẽ đủ thông minh" để đặt súng xuống và đầu hàng".
Hội nghị thượng đỉnh 3 bên Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức vào ngày 7 tháng 9 tại Tehran tiếp tục quá trình Astana nhằm bình thường hóa tình hình ở Syria, lãnh đạo của ba nước đã khởi đầu quá trình này vào năm 2017. Bây giờ tình hình ở đất nước này là cực kỳ khó khăn. Nhiệm vụ chính của lãnh đạo 3 nước là tạo ra nền tảng chung, tất nhiên, trên cơ sở thỏa hiệp. Và trên cơ sở đó 3 nước sẽ phối hợp hành động để tiêu diệt khủng bố ở Idlib, kể cả trong trường hợp Mỹ và các đồng minh của họ tham gia các hành động chiến sự chống lại chế độ Assad.
Kết quả của Hội nghị Tehran sẽ được thấy rõ trong tương gần nhất.
Như vậy, Hội nghị thượng đỉnh Tehran một lần nữa cho thấy rằng, về mặt chiến lược, Matxcơva, Tehran và Ankara có quan điểm khác nhau về tương lai của Syria. Về mặt chiến thuật, ba quốc gia đều đồng ý rằng, cần phải tiêu diệt những kẻ khủng bố ở Idlib, nhưng, bằng cách nào và với những hậu quả nào, ở đây có sự khác biệt.
Các bên đã hẹn lần sau Hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức tại Matxcơva.