Có nhiều luồng ý kiến khác nhau về bộ tài liệu này. Những người nêu ý kiến phản đối CNGD khá đông, bên ủng hộ cũng không chịu kém cạnh.
Chỉ có điều, dường như rất nhiều người phản đối CNGD đã sử dụng ngôn từ "chợ búa" để lên án, mạt sát, miệt thị về bộ tài liệu cũng như GS Hồ Ngọc Đại.
Theo tôi, đó là hành động không nên khi tranh luận về bất kỳ vấn đề gì. Nhất là khi những giá trị dân chủ, công bằng, văn minh đang ngày càng được xã hội mong mỏi, phấn đấu.
Lâu nay trong xã hội vẫn có không ít người quan niệm những ý kiến, việc làm đúng phải là những ý kiến, việc làm được nhiều người đồng tình, ủng hộ. Bởi vậy, khi có một ý kiến nào đó khác với số đông hoặc ngược lại số đông thường bị quy là… không bình thường. Thậm chí có người còn cho đó là lập dị, chơi trội, hoặc nặng nề hơn là "khùng".
Hãy thử hình dung, trong gia đình 5, 7 người đã khó thống nhất được ý kiến, vậy tại sao lại tham vọng đòi cả xã hội phải cùng đồng tình một vấn đề? Do đó, một vấn đề, một sự kiện có nhiều ý kiến phản hồi trái chiều nhau là chuyện thường tình. Nên xem đó là điều đáng mừng, cần khuyến khích nếu những khác biệt ấy không vi phạm pháp luật, truyền thống, đạo đức.
Chuyện thích hay không thích, đồng tình hay không đồng tình đối với một vấn đề xã hội là do quan điểm, góc nhìn của mỗi người mỗi khác nhau. Bởi vậy, khi không đồng tình với quan điểm của người khác thì vẫn nên tôn trọng ý kiến của người đó.
Nữ văn sĩ nổi tiếng người Anh là Evelyn Beatrice Hall trong cuốn sách Những người bạn của Voltaire đã viết: Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói, nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó. Tất cả những tranh luận đồng tình hay phản đối về một vấn đề nên luôn luôn dựa trên tinh thần dân chủ, tôn trọng, thuyết phục và thật sự có văn hóa.
Thật vậy, tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng những ý kiến khác nhau sẽ kích thích sự sáng tạo và phát triển của xã hội.