Câu chuyện Bamboo Airways (Hàng không Tre Việt) đang chờ được thẩm định cấp phép bay đang thu hút sự chú ý rất lớn từ dư luận xã hội vì hai lẽ:
Thứ nhất khi có thêm một hãng bay mới thì người sử dụng dịch vụ có thêm sự lựa chọn, thậm chí đó còn là một lựa chọn tốt nếu như nó đúng là dịch vụ 5 sao như tuyên bố của ông Trịnh Văn Quyết — Chủ tịch Tập đoàn FLC.
Tuy nhiên, vấn đề thứ hai khiến nhiều người lo lắng hơn và đã được Đại biểu Quốc hội — Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng — Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đặt ra, đó là một loạt những vấn đề về an ninh quốc phòng khi cấp phép cho Hàng không Tre Việt.
Đây là vấn đề mà Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng cho rằng cần phải hết sức thận trọng, xem xét chặt chẽ và phải lấy ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương… trong đó một số vấn đề quan trọng cần lưu ý gồm: Đánh giá tác động về quốc phòng, an ninh; Tính khả thi về phương án nguồn nhân lực nhất là đội ngũ phi công; Khả năng đáp ứng của cảng hàng không, quản lý bay.
Trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vào ngày 17/9, Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản trả lời về những nội dung mà ông đề cập, nhưng chung chung, không rõ ràng.
Do đó với tư cách là một Đại biểu Quốc hội, ông đã tiếp tục truyền tải những băn khoăn của cử tri tới Thủ tướng Chính phủ.
"Tôi đang chờ trả lời từ Chính phủ. Tôi thấy đây là vấn đề hệ trọng cần phải được xem xét đánh giá từng bước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nhưng đồng thời cũng phải tránh những hệ lụy sau này, nhất là an ninh hàng không dân dụng", ông Hồng nói.
Nếu không đủ khả năng đáp ứng về hạ tầng, vậy thì máy bay phải đi đậu nhờ ở các cảng hàng không khác (trong đó có Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) và lại tiếp tục khiến cho tình trạng quá tải trở nên trầm trọng hơn.
Ông Hồng chỉ rõ: "Ngày 14/6/2018, Công ty Tre Việt nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận tải Hàng không thì 3/8/2018 Cục Hàng không đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kết quả thẩm định.
Đến ngày 17/8/2018, Bộ Giao thông Vận tải có công văn số 9130/BGTVT-VT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó có một vấn đề đáng chú ý là cơ quan này khẳng định hạ tầng hàng không Việt Nam đủ sức đáp ứng nhu cầu khai thác theo phương án kinh doanh và phát triển sản phẩm của Công ty Tre Việt.
Điều đó dường như là mâu thuẫn với văn bản mà Bộ Giao thông trình Thủ tướng Chính phủ khi đánh giá hạ tầng đảm bảo cho khai thác của Công ty Tre Việt".
Trên thực tế những năm qua lượng khách đi lại bằng đường hàng không tăng đột biến, trong khi đó kết cấu hạ tầng hàng không và máy bay quá tải; đồng thời xảy ra cả tình trạng ngập úng tại các cảng hàng không, sân bay, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài.
Thậm chí có cả tình trạng máy bay bay vòng trên không hoặc dừng chờ tại đường lăn mỗi khi cất và hạ cánh tại các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng… không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn trực tiếp đe dọa an ninh, an toàn hàng không.
Tuy nhiên, Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines sau khi đã hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng phê duyệt.
Dự kiến phải tới cuối năm 2019, thậm chí sang tới 2020 mới có thể hoàn thiện nhà ga hành khách mới và mở rộng vị trí sân đỗ tại Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, Hàng không Tre Việt thuộc Tập đoàn FLC nộp hồ sơ xin cấp phép bay thì Bộ Giao thông Vận tải lại rất tích cực và đánh giá là "hạ tầng đủ sức đáp ứng".
Đại biểu Hồng đặt vấn đề: "Chính phủ siết chặt cấp phép với lý do là hạ tầng chưa đảm bảo và đang trong quá trình điều chỉnh, thế nhưng Bộ Giao thông Vận tải thì nhanh chóng đề nghị cấp phép cho Hàng không Tre Việt với đánh giá ngược lại.
Bên cạnh đó, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng cũng đề nghị làm rõ về khả năng tài chính trong đầu tư của Công ty Tre Việt, bởi vì việc thành lập một hãng hàng không và duy trì hoạt động là vô cùng tốn kém.
Ông Hồng chia sẻ: "Cử tri cũng cho rằng, cần phải minh bạch về tài chính trong việc mua máy bay của hãng Tre Việt (Bamboo Airways) để tránh nguy cơ rủi ro, tăng nợ quốc gia trong huy động vốn. Còn nếu là huy động vốn đầu tư từ nước ngoài thì đó là nguồn nào, cũng cần phải minh bạch.
Hiện nay FLC có rất nhiều dự án bất động sản ven biển, điều tôi lo lắng là nếu sau này họ chuyển nhượng thì người mua là doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài? Nếu là nước ngoài mua thì an ninh quốc phòng sẽ như thế nào?".
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng cho biết, những ngày vừa qua ông nhận thêm được nhiều thông tin về hoạt động của FLC và việc xin cấp phép bay với Hàng không Tre Việt. Với trách nhiệm là một Đại biểu Quốc hội, ông sẽ tiếp tục làm rõ những vấn đề cử tri đang hết sức quan tâm.
- Hồ sơ trình chính phủ phải có ý kiến các bộ ngành, địa phương liên quan và phải gửi đồng thời cả bản giấy và bản điện tử đến Văn phòng Chính phủ.
— Các bộ, cơ quan và địa phương phải có trách nhiệm phối hợp trong quá trình xử lý hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo qui định tại qui chế này và theo yêu cầu của Thủ tướng, Phó Thủ tướng.
— Đối với hồ sơ trình Thủ tướng cần phải lấy thêm ý kiến các bộ, cơ quan liên quan thì Văn phòng Chính phủ phải xử lý như sau:
Gửi văn bản lấy ý kiến đến các bộ, cơ quan liên quan, ghi rõ thời gian phải trả lời và nội dung cần lấy ý kiến.
— Trường hợp có nội dung quan trọng, phức tạp liên quan đến cơ chế, chính sách, Văn phòng Chính phủ đề xuất Thủ tướng giao bộ chủ trì lấy ý kiến các cơ quan liên quan tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.