Nghiên cứu của Phòng Thương mại EU ở Trung Quốc cho biết các công ty châu Âu có thể hủy bỏ việc chuyển sản xuất từ Trung Quốc đại lục đến Đông Nam Á, nếu Bắc Kinh loại bỏ các rào cản để các công ty châu Âu thâm nhập thị trường nước này.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc, các công ty châu Âu đang có kế hoạch chuyển sản xuất sang các nước Đông Nam Á, chẳng hạn như Việt Nam và Philippines. Bằng cách như vậy, họ muốn tránh thuế bổ sung đánh vào các phụ tùng chủ chốt và bán thành phẩm nhập khẩu từ Hoa Kỳ để lắp ráp và chế biến sản phẩm tại Trung Quốc. Cuộc khảo sát cho thấy gần 54% trong số gần 200 công ty được hỏi cho rằng cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gây ra sự gián đoạn đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất phát từ những lo ngại như vậy, khoảng 7% công ty châu Âu đã di chuyển hoặc lên kế hoạch rút các nhà máy của mình ra khỏi thị trường Trung Quốc đại lục. Tỷ lệ này có thể tăng lên, vì nhiều công ty vẫn còn đang đánh giá tình hình và chưa đưa ra quyết định nào.
Trong khi đó, phó chủ tịch Phòng EU Carlo Diego D'Andrea lưu ý rằng tình hình căng thẳng này có thể tránh được nếu Trung Quốc mở cửa thị trường của mình rộng hơn, tiến hành cải cách kinh tế hiệu quả hơn nữa.
Trả lời phỏng vấn Sputnik, chuyên gia của Viện Kinh tế và Ngoại thương của Trung Quốc Fan Ying đánh giá về kết quả điều tra của Phòng thương mại EU.
"Tôi cho rằng báo cáo của Phòng Thương mại Châu Âu ở Trung Quốc đã đánh giá môi trường kinh doanh tổng thể ở Trung Quốc một cách thiên vị và không công bằng. Trên thực tế, thống kê toàn bộ năm 2017, và từ tháng Giêng-tháng Tám năm 2018 cho thấy, đầu tư thực tế của EU vào Trung Quốc lên tới 6,67 tỷ USD. Mức tăng trưởng dự kiến là 3,7%. Dữ liệu cũng cho thấy các công ty châu Âu nói chung lạc quan về đầu tư vào Trung Quốc, họ tự tin ở thị trường Trung Quốc. Nói về vấn đề khó khăn thì đó là chủ đề của các cuộc đàm phán. Các biện pháp được thực hiện có thể cải thiện tình hình. Điều này áp dụng như nhau cho cả Trung Quốc và các nước có môi trường kinh doanh tốt hơn. Tôi nghĩ rằng sẽ không công bằng nếu hoàn toàn phủ nhận nỗ lực của Trung Quốc trong lĩnh vực cải cách và mở cửa, cũng như thực tế môi trường kinh doanh ở Trung Quốc đang được cải thiện."
Chuyên gia IMEMO Alexander Salitsky cho rằng các công ty châu Âu hoạt động tại Trung Quốc bị kẹt giữa trận đụng độ trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc đã lợi dụng điều này để tống tiền Trung Quốc:
"Trung Quốc cảm thấy áp lực từ phía châu Âu, trong khi họ hy vọng vào vị trí trung lập của châu Âu trong cuộc tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Châu Âu cho rằng họ có thể đạt được một số lợi ích bổ sung trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Do đó, thông điệp của Phòng Thương mại EU xuất phát từ mong muốn được Trung Quốc nhượng bộ đối với các công ty châu Âu."
Động thái chính trị này của EU xuất phát hoàn toàn từ mục tiêu cơ hội, chuyên gia cho biết. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hiểu rằng các công ty châu Âu thua các công ty Trung Quốc tại thị trường nước này đâu phải do những rào cản nhân tạo mà các nhà chức trách Trung Quốc tạo ra. Các công ty Trung Quốc hoạt động tốt hơn các công ty nước ngoài, bởi vì họ có vị thế tốt hơn trong thị trường nội địa của mình. Đây là cuộc cạnh tranh công bằng mà người châu Âu và người Mỹ cần nói đến. Doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc đã phát triển, trưởng thành, có thể cạnh tranh trên nền tảng bình đẳng với doanh nghiệp châu Âu và Mỹ. Đây là một hướng chính, mà không ai có thể khiến Trung Quốc từ bỏ, các chuyên gia khẳng định.
Hôm thứ Tư 19 tháng 9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thiên Tân rằng Trung Quốc sẽ mở rộng tiếp cận thị trường cho đầu tư nước ngoài và đảm bảo cạnh tranh công bằng. Ông xác nhận Trung Quốc sẽ không tham gia phá giá cạnh tranh tiền tệ, và sẽ không làm suy yếu nhân dân tệ để gia tăng xuất khẩu. Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách giảm thuế nhập khẩu đối với một số hàng hóa, ông Lý Khắc Cường cho biết, lưu ý rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ và chống vi phạm sở hữu trí tuệ.
Thủ tướng Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc có đủ các công cụ chính trị để vượt qua khó khăn và sẽ hỗ trợ chính sách kinh tế vĩ mô.