Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới New York, Mỹ, tối 26/9 để tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận chung của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 73. Đại diện 193 quốc gia sẽ cùng nhau thảo luận những vấn đề "nóng" nhất thế giới trong bối cảnh hợp tác đa phương đang gặp phải nhiều thách thức nghiêm trọng.
Việc tham dự phiên họp quan trọng này tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam, đó là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm chung và hành động vì hòa bình, thịnh vượng của toàn thế giới.
Ngoài ra, với việc Việt Nam ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, chuyến đi của Thủ tướng gửi đi những thông điệp quan trọng.
Cơ chế quan trọng với an ninh, hòa bình thế giới
Năm 2007, Việt Nam lần đầu trúng cử vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009. Trong một bài phỏng vấn trước thềm chuyến đi New York, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong vai trò này.
"Việt Nam đã đóng góp vào nỗ lực chung xử lý xung đột ở một số khu vực, tăng cường hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, có sáng kiến cụ thể về tăng cường vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực hòa bình và an ninh", Thủ tướng nói, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Trong một bài viết trên Geopolitical Monitor, tác giả James Borton nhận định tầm quan trọng của Việt Nam đối với an ninh quốc tế đã gia tăng đáng kể từ hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng cuối năm 2017. Việt Nam đã đón tiếp thành công lãnh đạo của các nước lớn như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Trong 3 thập kỷ qua, Hà Nội đã được toàn cầu công nhận là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế", tác giả viết. "Hà Nội đã nhanh chóng hiểu được vai trò trung tâm của LHQ có ý nghĩa quan trọng thế nào trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế".
Theo tác giả, với tư cách ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, Việt Nam muốn thể hiện tiếng nói ngày càng có trọng lượng của mình tại ASEAN, muốn tiến hành các kỹ năng ngoại giao mềm và muốn nhấn mạnh rằng Việt Nam kiên trì theo đuổi con đường hội nhập quốc tế.
"Chiếc ghế tại Hội đồng Bảo an đặt Hà Nội ở vị trí cao nhất về hội nhập quốc tế", ông Borton, nhà báo kỳ cựu với 25 năm viết về Đông Nam Á, đặc biệt là khu vực Mekong và Biển Đông, khẳng định.
"Sự có mặt của Thủ tướng Phúc tại LHQ gửi đi một thông điệp rõ ràng đến Hội đồng Bảo an rằng Hà Nội cam kết hợp tác với ASEAN trong việc tích cực thúc đẩy đối thoại và hiểu biết lẫn nhau, cũng như vun đắp môi trường hợp tác và hữu nghị tại khu vực".
Việc bầu ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 sẽ được tổ chức vào tháng 6/2019.
Tăng cường tiếng nói quốc tế
Mặc dù không phải là chuyện nhanh chóng đối với một nước từng chịu đựng vết thương chiến tranh, Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN (1995) và APEC (1998). Hiệp định thương mại song phương Việt — Mỹ được ký năm 2001, giúp tăng cường ý chí chính trị nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007.
Một nội dung trọng tâm trong chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế của Việt Nam là quyết tâm có được tiếng nói và vị thế nổi bật hơn tại Liên Hợp Quốc, theo ông Borton. Điều này được thể hiện rõ nhất qua nỗ lực của Việt Nam trong việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ từ đầu năm 2014.
"Hình ảnh bộ đội Cụ Hồ đội chiếc mũ nồi xanh của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ là một biểu tượng mà Việt Nam muốn gửi tới bạn bè quốc tế… Đó là một Việt Nam sẵn sàng chung tay, góp sức vì một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong bài phỏng vấn trước thềm chuyến đi New York.
Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào việc xây dựng và triển khai Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) đến năm 2030 của LHQ và đi tiên phong trong việc áp dụng những mô hình hợp tác mới, như mô hình "Thống nhất hành động — Một Liên Hợp Quốc" tại Việt Nam.
"Kết quả, Việt Nam đã nổi lên như một lãnh đạo toàn cầu trong việc thúc đẩy và thực hiện chương trình về hiệu quả viện trợ", ông Borton nói. "Kế hoạch hành động của đất nước lưu tâm đặc biệt đến những nhóm dễ tổn thương, nhất là người nghèo, người tàn tật, phụ nữ và các dân tộc thiểu số".
"Tôi sẽ cùng lãnh đạo cấp cao 193 quốc gia thành viên LHQ thảo luận, đề xuất các biện pháp hữu hiệu để xử lý các thách thức toàn cầu đối với an ninh và phát triển, cũng như các biện pháp làm cho LHQ phục vụ tốt hơn, thiết thực và hiệu quả hơn lợi ích của mọi quốc gia, mọi người dân", Thủ tướng nói.
Mục đích của Việt Nam trong hoạt động tại LHQ lần này còn là tranh thủ các nguồn lực và cơ hội cho phát triển. Việt Nam và LHQ vừa ký Kế hoạch Chiến lược chung mới (OSP) giai đoạn 2017-2021 giữa chính phủ Việt Nam và 18 cơ quan LHQ. Kế hoạch OSP được xây dựng phù hợp với Kế hoạch Phát triển Kinh tế — Xã hội 5 năm 2016-2020 của Việt Nam, các mục tiêu SDGs, cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người.
"Việc thực hiện tốt các sáng kiến này sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng bao trùm hơn trong tương lai, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam tại LHQ cũng như trên trường quốc tế", Thủ tướng nói.