23h12 đêm của ngày đầu tiên trong tháng 10, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã từ trần tại bệnh viện T.Ư Quân đội 108. Theo Ban bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ T.Ư, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ trong và ngoài nước tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc nhưng do tuổi cao sức yếu, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã qua đời sau một thời gian lâm bệnh nặng.
Nhắc đến nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, người ta nhớ đến rất nhiều dấu ấn trên con đường chính trường của ông. Nhưng một dấu ấn gắn liền với ông, khiến nhiều người nhắc đến là tại cuộc tranh cử đầu tiên tại Quốc hội vào chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, năm 1988.
Chia sẻ với Báo Giao thông, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão kể lại rằng, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986, dưới thời của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, Quốc hội Việt Nam bắt đầu có rất nhiều đổi mới, trong đó đổi mới quan trọng nhất là việc lần đầu tiên có tranh cử ở Quốc hội.
"Việc tranh cử chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ở Quốc hội khoá VIII được coi là dấu son trong hoạt động nghị trường của lịch sử Quốc hội Việt Nam" — ông Mão nói.
Kể lại bối cảnh khi ấy, ông Mão nhớ lại, tại kỳ họp giữa năm 1988, Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mới thay thế đồng chí Phạm Hùng vừa từ trần. Theo quy định của Hiến pháp năm 1980, Hội đồng Nhà nước giới thiệu chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng để Quốc hội bầu trên cơ sở là kết quả thảo luận và biểu quyết của Hội nghị BCH T.Ư Đảng. Theo đó, đồng chí Đỗ Mười khi ấy được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Nhưng sau đó, có rất nhiều đoàn ĐBQH đề nghị giới thiệu thêm đồng chí Võ Văn Kiệt, đặc biệt là các ĐBQH phía Nam thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với việc này.
"Một trong những động lực giúp chúng tôi vận động bà con Sài Gòn xuống đường là để chống bầu cử độc diễn ở Sài Gòn. Bây giờ, chúng ta có độc lập mà vẫn độc diễn thì chúng tôi khó ăn nói với bà con lắm", ông Trung nói.
Theo ông Vũ Mão — khi ấy Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp, đây là một tình huống bất ngờ, vì từ trước đến nay, khi Đảng đã giới thiệu nhân sự thì các ĐBQH thảo luận ở Đoàn, dù có ý kiến khác nhau nhưng cuối cùng là nhất trí với sự giới thiệu.
Nhưng sau đó, cuộc họp Hội đồng Nhà nước để thảo luận vấn đề này rất sôi nổi, đa số các thành viên đều nhất trí để hai ứng cử viên, coi đây là sự đổi mới tư duy, thể hiện tính dân chủ trong sinh hoạt Quốc hội.
Sự việc sau đó được báo cáo lên Tổng Bí thư khi ấy là ông Nguyễn Văn Linh, và Tổng Bí thư đã đồng ý triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị để bàn bạc về vấn đề này
Kết quả sau đó, ông Đỗ Mười là người trúng cử với tỷ lệ 63% số phiếu ủng hộ, ông Võ Văn Kiệt được 37% số phiếu.
"Khi ấy cả người trúng cử và người không trúng cử đều vui, các ĐBQH cũng thoải mái, phấn chấn. Đây là phiên tranh luận hấp dẫn mở đầu cho thời kỳ Quốc hội đổi mới. Đây cũng là lần đầu tiên và cho đến nay cũng là lần duy nhất bầu người đứng đầu Chính phủ có 2 ứng cử viên" — nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão nhận định.
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười sinh ngày 2/2/1917, tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Sớm tham gia hoạt động cách mạng và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, được tôi luyện, trưởng thành qua các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đã từng trải qua nhiều cương vị công tác, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Trong những năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng (6/1991-12/1997), với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí Đỗ Mười đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đoàn kết, thống nhất, lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười cũng đã được trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.