Theo thông tin từ Văn phòng Trung ương Đảng, tại Hội nghị TƯ 8, Ban Chấp hành TƯ thống nhất 100% giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước.
Đây là thông tin cực kỳ quan trọng nhưng không ngạc nhiên bởi sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, không chỉ trong Đảng mà trong Nhân dân, nhiều người đã nghĩ đến điều này.
Lý do thì nhiều, song theo người viết bài này thì nói như ông Vũ Mão trên Dân trí là "đã chín muồi". Đặc biệt trong tình hình hiện nay của đất nước. Thứ hai, tại thời điểm này, khó có thể có ai thích hợp với cương vị này hơn TBT Nguyễn Phú Trọng.
Vì thế, không khó đoán là chắc chắn ông Trọng sẽ được Quốc hội tín nhiệm bởi đây là ý Đảng, lòng Dân.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu ông Nguyễn Phú Trọng được bầu Chủ tịch nước?
Về xây dựng Đảng, vừa mới đây tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (2.10), xây dựng Đảng là một trong ba nội dung quan trọng nhất trong bài phát biểu của Tổng Bí thư. Nổi bật là việc xem xét, quyết định ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Với cách làm thận trọng, tránh xảy ra oan sai… thấu tình, đạt lý khiến đối tượng bị kỉ luật tâm phục, khẩu phục song lại rất kinh hoàng bởi những kẻ tham nhũng không biết đâu là điểm dừng vì thực tế, nó cũng không có điểm dừng.
Khi là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ông đã là "người đốt lò vĩ đại" thì một khi còn đứng đầu Nhà nước, quyền lực tập trung hơn, chắc chắn công cuộc chỉnh đốn Đảng và phòng chống tham nhũng sẽ được nâng lên một mức mới.
Không chỉ có quyền lực "cứng", ông Nguyễn Phú Trọng còn có một quyền lực "mềm", đó là phong cách và nhân cách cá nhân. Cả hai điều này, ông là tấm gương mẫu mực.
Tóm lại, theo người viết bài này, tới đây sẽ là thời điểm mạnh mẽ và quyết liệt trong công tác chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng.