Theo tờ báo Hàn Quốc Tona Ilbo, tại cuộc gặp này các bên lần đầu tiên thảo luận về những bước đi của Hoa Kỳ, bao gồm việc thông qua tuyên bố chấm dứt chiến tranh và mở văn phòng liên lạc với Mỹ tại Bình Nhưỡng. Điều này không có nghĩa là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại Bắc Triều Tiên, nhưng, vẫn mở đường cho việc bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp trừng phạt. Tức là, nối lại các dự án hợp tác liên Triều, bao gồm cả các dự án với sự tham gia của Nga.
Trước chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Pompeo, Chủ tịch Thượng viện Quốc hội Nga Valentina Matvienko đã thực hiện chuyến công du tới thủ đô Hàn Quốc. Đây là một chuyến thăm bình thường trong khuôn khổ hoạt động ngoại giao nghị viện. Song, có một chi tiết đáng chú ý: vào đầu tháng Chín, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Matvienko đã đến thăm thủ đô Bắc Triều Tiên và đã có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Sau một tháng, bà Matvienko gặp gỡ với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở Seoul. Tại cuộc gặp với bà, Tổng thống Hàn Quốc nhắc nhở rằng, ở Bình Nhưỡng bà Matvienko đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án hợp tác kinh tế ba bên với sự tham gia của Nga, bao gồm cả dự án đường sắt và khí đốt. Ông Moon Jae-in lưu ý rằng, ông cũng rất quan tâm đến các dự án trong lĩnh vực này. Sau cuộc đàm phán với ông Moon, Chủ tịch Hội đồng LB Nga cho biết rằng, phía Hàn Quốc ủng hộ việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt để hưởng ứng các bước đi của CHDCND Triều Tiên nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và để mở ra cơ hội để loại bỏ những hạn chế còn tồn tại trong việc thực hiện các dự án ba bên.
Có chú ý đến việc đến nay Hàn Quốc thực hiện nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt quốc tế trong quá trình thiết lập quan hệ hợp tác với Bắc Triều Tiên, nhiều khả năng bà Matvienko nói về khả năng tiếp tục dự án đường sắt nối cảng Rajin với thành phố Khasan của Nga. Dự án này không bị dính lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ, và chỉ bị chặn bởi những hạn chế đơn phương của Seoul, mà Hàn Quốc đã áp đặt sau những vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Song, bãi thử hạt nhân Punggye-ri đã bị phá hủy, và Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị tiếp nhận các chuyên gia Mỹ để họ xác nhận điều này.
"Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đang xấu đi — những sự cố với tin tặc, gián điệp, vv — Nga có ít khả năng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng, nếu Hoa Kỳ dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt như một phần thưởng cho Bắc Triều Tiên trong quá trình phi hạt nhân hóa, thì không loại trừ khả năng Hàn Quốc cũng sẽ nới lỏng một số biện pháp trừng phạt đã được áp đặt từ ngày 24 tháng 5 năm 2010 (hạn chế đầu tư mới trên địa bàn Bắc Triều Tiên — Ed). Điều này không đòi hỏi một cuộc thảo luận về vấn đề trừng phạt tại LHQ. Bằng cách này Hàn Quốc sẽ cho phép nối lại các công việc trong khuôn khổ dự án Rajin — Khasan", — giáo sư Li Sanchong tại Trường đại học Kookmin cho biết trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.
Sau khi xây dựng xong kho than ở cảng Rajin của Bắc Triều Tiên và xây dựng lại tuyến đường sắt đến thị trấn biên giới Khasan trong những năm 2008-2014, Nga đã bắt đầu cung cấp than đá theo tuyến đường này. Ban đầu các bên đã cho rằng, người mua chính sẽ là Hàn Quốc. Đáng lẽ, sau ba lô hàng đầu tiên, tập đoàn Hàn Quốc nên mua cổ phần của Nga trong công ty liên doanh với Bắc Triều Tiên đã được thành lập đặc biệt để thực hiện dự án này. Tuy nhiên, vào tháng 3 năm 2016, Seoul đã áp đặt lệnh cấm các tàu cập cảng ở CHDCND Triều Tiên, kết quả là, Nga phải tìm kiếm những người mua than đá ở Trung Quốc.
Theo giáo sư Li Sanchong, dự án Khasan-Rajin là cực kỳ quan trọng đối với Nga, bởi vì nó phục vụ cho mục đích phát triển Viễn Đông được ghi trong kế hoạch của chính phủ Nga cũng như phù hợp với chính sách mới của Seoul trong quan hệ với miền Bắc và khái niệm về bản đồ kinh tế mới của bán đảo Triều Tiên do chính phủ của Tổng thống Moon đề xuất. Dự án này là rất quan trọng đối với Hàn Quốc, vì đây là một cơ hội tuyệt vời để bắt đầu khôi phục sự hợp tác liên Triều, mà không nhượng bộ miền Bắc quá nhiều.
"Tất nhiên, Bắc Triều Tiên muốn để Chính phủ Hàn Quốc trước hết nối lại các dự án hợp tác như khu công nghiệp Kaesong và Vùng du lịch Kumgangsan. Tôi cho rằng, để gắn kết Khu du lịch đặc biệt Wonsan —Kalma (cách Kumgangsan 80 km về phía bắc và cách biên giới với Hàn Quốc 100 km) và để nhận được sự hỗ trợ quốc tế, CHDCND Triều Tiên cũng muốn sớm nối lại dự án Rajin-Khasan. Do đó, với sự đồng ý ngầm của Hoa Kỳ (vì không còn có cái cớ để áp đặt những biện pháp trừng phạt mới), Hàn Quốc có thể thực hiện bước khởi đầu cho một số dự án như là một phần thưởng cho việc phi hạt nhân hóa. Trong số các dự án chung giữa miền Nam và miền Bắc, dự án Rajin-Khasan có thể dễ dàng nối lại. Theo tôi, nếu quá trình phi hạt nhân hóa tiến triển tích cực thì Mỹ cũng có thể giảm bớt một phần biện pháp trừng, khác với trường hợp với các biện pháp trừng phạt chống lại Nga", — giáo sư Hàn Quốc nhận xét.
Tuy nhiên, để thực hiện dự án hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc Triều Tiên, kết nối đường sắt Hàn Quốc, Triều Tiên với tuyến đường sắt xuyên Siberia, đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải thể hiện sự quan tâm lớn. Khác với Chủ tịch Kim Jong-il, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn chưa xác nhận rõ sự sẵn sàng kết nối các mạng lưới đường sắt, hệ thống cung cấp gas và mạng lưới điện. Nhưng, ông có thể sớm thông qua quyết định vì cuộc gặp thượng đỉnh Putin-Kim đang được tích cực thảo luận.
Trong cuộc đàm phán với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga không chỉ khẳng định rằng Tổng thống Nga sẵn sàng đến thăm Hàn Quốc vào năm tới, mà còn thông báo về cuộc tham vấn hiện đang diễn ra về thời hạn và địa điểm tổ chức chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Nếu cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Kim Jong-un diễn ra, thì chủ đề chính sẽ là dự án Rajin-Khasan, cũng như kế hoạch kết nối các tuyến đường sắt từ Rajin tới Chongjin và Wonsan. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên có thể yêu cầu phía Nga bắt đầu cung cấp điện năng, mở dịch vụ phà từ Wonsan đến Vladivostok, và nối lại sự hợp tác trong việc đưa công nhân Bắc Triều Tiên đến Nga. Tuy nhiên, theo Giáo sư Ly, trong điều kiện hiện tại, Bình Nhưỡng không nên quá trông đợi vào sự hỗ trợ kinh tế lớn từ Nga.