HĐND TP.HCM vừa thông qua dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch mới, ước tính tốn khoảng 1.500 tỷ đồng, tiền lấy từ bán khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1 (giới chuyên môn bất động sản gọi là "đất vàng").
Ngay lập tức, nhiều người đặt câu hỏi: Ai cần nhà hát giao hưởng nghìn tỷ lúc này? Nhưng có một câu hỏi khác còn lớn và quan trọng hơn: Chính quyền minh bạch tới đâu với dân trong quá trình quyết định triển khai dự án?
Những câu hỏi cần minh bạch
Không phủ nhận việc xây dựng các công trình mang tính biểu tượng sẽ là chất xúc tác thúc đẩy kinh tế, tăng trưởng du lịch, quảng bá hình ảnh cho thành phố.
Dự án Opera Sydney gây tranh cãi ngày nào hàng năm đang đóng góp 775 triệu USD cho Australia theo ước tính của hãng tư vấn và kiểm toán Deloitte năm 2013. Nhiều nghiên cứu trên thế giới, mà gần đây là một nghiên cứu bởi các nhà nghiên cứu Hristova, Aiello và Quercia của Đại học Cambridge đăng trên tạp chí Frontiers in Physics cho thấy xây dựng các công trình văn hóa lớn (đại học, nhà hát, viện bảo tàng) sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giá nhà khu xung quanh.
Tuy nhiên, tôi không rõ đại biểu HĐND đã được thông tin ra sao trước khi quyết định thông qua đề xuất xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP.HCM. Điều chắc chắn là người dân chưa được thông tin rõ ràng, nên mấy ngày nay mới có nhiều phản ứng trái chiều trên phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
Dự án đã nằm trong kế hoạch 20 năm. Thế nhưng, việc quyết định lại đưa ra bất ngờ, với nhiều câu hỏi để ngỏ của dư luận. Có vẻ đề xuất chưa đưa ra lấy ý kiến rộng rãi đủ lâu, phân tích đủ kỹ lưỡng, thấu đáo.
Chẳng hạn, tôi sẽ có vài câu hỏi khi nhận được đề xuất này. Tiền đâu để xây nhà hát? Có nên dùng tiền bán đất thu được để xây không?
Không phải tất cả, nhưng phần lớn những dự án dài hơi thường đi kèm với đội vốn. Nhà hát Opera Sydney, nổi tiếng là thế nhưng vượt dự toán những 15 lần. Nhà hát Nhà hát Elbphilharmonie (Hamburg, Đức) cũng vượt gấp 4 lần ngân sách.
Xây công trình lớn thì kinh phí duy trì cũng lớn. Duy trì không nổi thì nhà hát xuống cấp, hoặc sẽ cần thêm tiền ngân sách. Cho nên nhiều khả năng nhà hát nghìn tỷ này không chỉ sẽ tốn số tiền 1.500 tỷ đồng như dự kiến rồi thôi.
Ngay cả dự án xã hội hóa, lấy tiền tư nhân để xây, thì họ muốn đổi lại cái gì? Nếu đổi lại những khu đất xung quanh thì những chủ đầu tư đó đổi lại đất ở khu nào, bao nhiêu đất?
Những câu hỏi này cần được trả lời minh bạch.
Tranh cãi trên toàn thế giới
Để có được nhà hát Opera Sydney 45 tuổi như ngày hôm nay, rất nhiều tranh cãi đã nổ ra ở Australia và phải cả kiến trúc sư trưởng thiết kế công trình cũng đã bị thay. Thậm chí một số tờ báo Australia còn nhận định rằng đó là cuộc tranh cãi kiến trúc tồi tệ nhất trong lịch sử.
Nhà hát Walt Disney ở Los Angeles hay nhà hát Colston ở London trước khi xây dựng cũng đều vấp phải những sự phản ứng dữ dội từ phía dư luận.
Ở nước Anh, nơi tôi đang sống và làm việc, người ta tranh cãi gay gắt từ nhiều năm nay về chuyện các chính quyền địa phương có nên dừng tài trợ cho các nhà hát hay không. Đầu năm 2018, số liệu thống kê cho thấy có 30 nhà hát ở Anh đang có nguy cơ biến mất vì không đủ kinh phí duy trì.
Luôn có luồng ý kiến cho rằng kinh phí xây dựng công trình văn hoá có thể xây dựng thêm bệnh viện, trường học hay đường sá. Trong mấy ngày qua, đã có ý kiến cho rằng 1.500 tỷ đồng dành cho nhà hát ở TP.HCM có thể dùng để xây thêm vài ba cái cầu nhằm giải quyết ùn tắc.
Nhưng nhà hát là công trình văn hóa, thuộc nhóm hạ tầng xã hội trong khi đường sá, bệnh viện, trường học thuộc hạ tầng xây dựng cơ bản. Một đô thị lớn như TP.HCM có nhu cầu xây dựng song song hai nhóm này. So sánh sẽ là khập khiễng nhưng nếu nhìn vào con số 1.500 tỷ đồng xây dựng nhà hát thì còn thua xa đề án chống ngập trị giá 10.000 tỷ đồng của thành phố đang đình trệ và "cầu cứu" Thủ tướng. TP.HCM vẫn có thể xây dựng thêm nhà hát và thêm bệnh viện nếu xài tiền đúng cách và quản lý dự án hiệu quả.
Sao phải vội vã
Nhà hát Opera Sydney, vì tranh cãi và đội vốn đã chậm tiến độ 10 năm, mất tổng cộng 16 năm mới hoàn thành. Nhà hát Walt Disney, Los Angeles xây dựng trong vòng hơn 15 năm. Nhà hát Hamburg cũng chậm tiến độ 6 năm. Nhà hát ở Trung Quốc hay Singapore xây dựng nhanh nhất cũng mất cỡ 5-6 năm.
TP.HCM dự kiến xây dựng nhà hát 1.700 chỗ trong giai đoạn 2018-2022, tức là chỉ trong 4 năm, liệu có kịp?
Trong vài ngày qua, một số kiến trúc sư có tên tuổi cũng đã lên tiếng rằng xây nhà hát ở Thủ Thiêm bây giờ là quá vội vàng, không đúng thời điểm mà cũng không đúng chỗ.
Vậy thì sao phải vội vã xây nhà hát lúc này?