Ngày 17/10, Bộ Công an công bố Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp trong hai tháng.
Trong dự thảo, Bộ Công an đưa ra hai phương án: giữ nguyên hình thức quản lý hộ khẩu như hiện nay hay bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy mà thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Với phương án một, Bộ Công an sẽ không phải sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về thủ tục hành chính có liên quan tới giấy tờ công dân. Nhà nước không phải bảo đảm kinh phí để sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này.
Tuy nhiên, người dân vẫn phải mất thời gian, công sức, chi phí liên quan tới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi tham gia các giao dịch hoặc thực hiện các thủ tục hành chính có yêu cầu phải xuất trình. Nhà nước vẫn phải duy trì các bộ phận quản lý chuyên trách ở nhiều cấp để thực hiện các công đoạn quản lý sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như lập tờ khai, thống kê, lập biểu mẫu…
Quản lý bằng mã số định danh tiết kiệm 300 tỷ đồng làm sổ bảo hiểm
Hiện, công dân khi đi giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, bằng lái xe…, thậm chí học sinh phải có giấy khai sinh.
Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân được hoàn thành, công dân không cần mang theo các loại giấy tờ nêu trên, không phải công chứng, chứng thực các loại giấy tờ này mà chỉ mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng. Theo Bộ Công an, khi ứng dụng công nghệ thông tin (cập nhật thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) vào giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm chi phí ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng mỗi năm từ việc công dân không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình; không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện thủ tục hành chính chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân như trước đây.
Nếu có số định danh cá nhân thì bảo hiểm xã hội lấy số đó làm căn cứ để cấp. Hiện nay, việc nhập dữ liệu bảo hiểm mới phải trả 10.000 đồng/tờ khai. Nếu 30 triệu người phải cấp mới thì sẽ tiêu tốn khoảng 300 tỷ đồng. Điều này gây lãng phí rất lớn.
Dù nêu ra nhiều điểm mạnh của phương án này song Bộ Công an cũng cho rằng, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án quy mô lớn, tính chất phức tạp, phạm vi triển khai rộng khắp từ trung ương tới tận xã, phường, thị trấn với vốn đầu tư tới trên 3.367 tỷ đồng trong khi điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, khó khăn…
Năm 2020 đủ điều kiện để bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy
Ngoài ra, ngành công an đang lưu trữ, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống tàng thư chứng minh nhân dân với hơn 60 triệu người và hệ thống tàng thư hộ khẩu với hơn 80 triệu nhân khẩu.
Với thông tin, tài liệu sẵn có cùng các dữ liệu chuyên ngành khác là nguồn quan trọng để cung cấp cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an đánh giá có thể tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian xây dựng cơ sở dữ liệu này.
"Vì thế việc triển khai đồng bộ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 là khả thi", dự thảo của Bộ Công an nêu.