Nhà hát giao hưởng ở trời tây
Ở châu Âu quê hương của âm nhạc cổ điển có rất nhiều nhà hát giao hưởng, concert hall hay symphony hall — tiếng Anh-, Konzerthaus hay Philharmonie — tiếng Đức. Các công trình văn hóa này hoạt động hiệu quả bởi có nhu cầu từ người xem.
Đơn cử nhà hát giao hưởng ở Birtmingham Anh quốc có 2.262 chỗ ngồi hàng năm có tới 270 sự kiện nghệ thuật. Nhà hát Sydney Úc có 5.541 chỗ ngồi, trong đó khán phòng dành cho nhạc giao hưởng có 2.688 chỗ ngồi, khán phòng dành cho opera có 1.547 chỗ ngồi… hàng năm ở nhà hát này diễn ra khoảng 2.500 buổi trình diễn mang lại nguồn lợi không nhỏ cho thành phố Sydney.
Nước Đức quê hương của J.C. Bach,L.V. Beethoven, J.Brahme có rất nhiều nhà hát giao hưởng. Mới đây họ có thêm Elbphilharmonie ở thành phố Hamburg. Đây là một tuyệt tác kiến trúc của thế kỷ 21, không những là niềm tự hào, biểu tượng mới của thành phố âm nhạc Hamburg mà còn trở thành biểu tượng mới của nước Đức. Khán phòng lớn của nhà hát giao hưởng này có 2.400 chỗ ngồi, khán phòng bé có 500 chỗ ngồi. Điều đặc biệt là âm học trong hai khán phòng này được coi là đạt âm học tuyệt đối (absolute acoustic) do chuyên gia âm học lừng danh thế giới người Nhật Yasuhisa Toyota đảm nhận, mặc dù nhà hát giao hưởng này nằm trực tiếp trên biển chịu sự tác động bất thường của sóng biển. Nhân dịp buổi hòa nhạc khánh thành vào ngày 11/1/2017 nhà hát giao hưởng này công bố phát 900 vé online miễn phí cho người xem. Bất ngờ là đã có tới 223.346 người ở 73 nước đăng ký!
Nhà hát Sydney đã trở thành biểu tượng của nước Úc. Elbphilharmonie cũng đã trở thành biểu tượng của nước Đức tương tự như tháp Effel là biểu tượng của nước Pháp.
Nhà hát ở Việt Nam
Ở Việt Nam cuối thế kỷ 19 người Pháp đã tiến hành xây dựng Nhà hát Opera Sài Gòn mang đậm phong thái kiến trúc flamboyant thời Đệ tam Cộng hòa và Nhà hát Philharmonie (nay là kho bạc TP) cùng Nhạc viện thành phố.
Tiếp theo họ xây Nhà hát Hải Phòng theo phong cách kiến trúc Barốc và đầu thế kỷ 20 họ xây Nhà hát lớn Hà Nội mang phong thái Tân cổ điển Pháp. Nhà hát lớn đã trở thành một biểu tượng của thành phố Hà Nội.
Theo tôi lý do là ở Đông Dương thời điểm đó có hàng chục ngàn người Pháp và binh lính Pháp đang sinh sống, trong đó có rất nhiều người có nhu cầu thưởng thức văn hóa của quê hương họ và họ muốn xây dựng Đông Dương giàu có tài nguyên, quá đẹp về phong cảnh, quan trọng về địa chính trị trở thành một thuộc địa tiểu biểu của Pháp trên thế giới.
Cho nên đầu tư xây dựng các công trình văn hóa tiêu biểu như nhà hát tiếp bước đầu tư xây dựng các công trình kỹ thuật hạ tầng với tiến bộ của khoa học kỹ thuật phương Tây như điện, cấp thoát nước hiện đại, ô tô, đường sắt, hàng không v.v… cùng với quy hoach đô thị hiên đại và kiến trúc hiện đại có kết cấu bê tông cốt thép là hợp lý và là minh chứng cụ thể nhất sự vượt trội của văn minh phương Tây so với ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa ở Viêt Nam đã có từ ngàn năm trước.
Nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm
Có rất nhiều câu hỏi vì sao, liên quan đến dự án này:
Có thật lãnh đạo thành phố HCM quan tâm đến phát triển âm nhạc, nhất là âm nhạc cổ điển, ở ngay thành phố này?
Sau 30/4/1075 Sài Gòn có hơn 3,4 triệu người mà thành phố đã có hơn 60 rạp hát và nhà hát lớn nhỏ, trong đó có cả các nhà hát có tới 400 — 500 chỗ ngồi. Đáng buồn đến nay hơn 50/60 rạp hát, nhà hát tiếp quản từ Sài Gòn thì gần như bỏ hoang, hoặc bán đất, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng biến thành quán cơm, quán nhậu, bãi giữ xe, quán cà phê, quán bar… Ví dụ rạp Majestic Sài Gòn (Đồng Khởi) trở thành nhà hàng Majestic. Rạp Eden (Đồng Khởi) thành thương mại. Rạp Đại Nam (Trần Hưng Đạo) trở thành khách sạn Đại Nam. Rạp Hồng Bàng (Pasteur) trở thành phòng game online. Nhà hát Bến Thành quận 1 luôn được "tận dụng" cho thuê tổ chức hội nghi, tiệc cưới, tận dụng làm quán cà phê, nơi tập gym, khiêu vũ,để xe. Vì sao?
Địa điểm xây dựng:
Vốn đầu tư và thời gian xây dựng:
Theo hiểu biết của tôi với một công trình khá tham vọng như nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm có 1.700 chỗ ngồi thì vốn dự kiến bao đầu 1.508 tỉ khoảng 68 triệu US đô sẽ phải tăng lên ít nhất là 4 lần, khoảng 270 triệu USD và thời gian thiết kế và xây dựng phải mất khoảng 8-10 năm. Xin lưu ý hầu như các nhà hát lớn trên thế giới đều đội vốn đầu tư lên rất nhiều lần. Nhà hát Sydney vốn đầu tư ban đầu đã tăng 14,3 lần, thời gian xây dựng từ 1959 —1973. Nhà hát Elbfilharmonie thời gian xây dựng 2005-2017. Vốn đầu tư 866 triêu Euro, tăng hơn 4 lần so dự kiến ban đầu.
Lãnh đạo thành phố HCM đã chi rất nhiều tỉ đồng và cho mua nhạc cụ đắt tiền dành cho dự án này từ mấy năm trước, hiện nay nhiều nhạc cụ đắt tiền này vẫn đắp kho! Mua nhạc cụ dành cho một nhà hát giao hưởng hoành tráng phải khoảng 8-10 năm nữa mới xây xong? Vì sao? Do quá nhiệt tình yêu nhạc cổ điển hay vì động cơ nào khác? Có giống như chuyện bên Y tế mua thiết bị cực đắt tiền trong khi chưa có bệnh viện, đến khi bệnh viện xây xong thì thiết bị đắt tiền bị hỏng không thể sử dụng được vì bảo quản không tốt?
Có thực "cấp bách và dân cần"?
Hiện nay người Việt Nam nào sẽ đi nghe nhạc giao hưởng?
Theo tôi hiện chỉ có một bộ phân rất nhỏ người Việt Nam chúng ta quan tâm và thỉnh thoảng sẵn sàng đi nghe nhạc giao hưởng. Còn tuyệt đại đa số người dân không muốn đi nghe nhạc giao hưởng. Lý do người nghe không những chỉ thích mà còn phải có hiểu biết kiến thức nhất định về âm nhạc cổ điển, trong khi hầu hết người dân Viêt Nam mù nhạc lý.
Tôi tin trong 500 đại biểu Quốc hội Việt Nam đại diện cho 93 triệu người dân Viêt Nam hiện nay nếu đi xem hòa nhạc biểu diễn các bài của Johann Sebastian Bach, Ludwig van Beethoven hay Johannes Brahms… kéo dài 60 — 80 phút thì ít nhất ¾ số họ sẽ không hào hứng. Đơn giản họ không quen, không hiểu nhạc cổ điển nên việc phải nghe âm nhạc đó như là một sự tra tấn, hành xác. Cũng giống như các bạn Tây vào rạp hát buộc phải nghe người Việt chơi đàn nhị các bài dân ca cứ ò e í e suốt buổi mà họ không hiểu, thì họ cũng sẽ ngủ gật như thường.
Tiếp cận với nền âm nhạc cổ điển, bác học là một quá trình dài, không thể cưỡng bức hay "kế hoạch hóa", áp đặt kể cả khi có điều kiện. Trong hoàn cảnh kinh tế, xã hội hiện nay ở TP HCM có quá nhiều bất cập về vấn đề giao thông, an ninh xã hội… thì theo tôi chưa nên có ý tưởng xây dựng nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm, nhất là việc quyết định này có thể làm người dân nghi ngờ có mối liên hệ nào đó để hợp pháp hóa với sai phạm rất lớn về đất đai hiện nay ở Thủ Thiêm.
Bởi vậy, sau những tranh cãi về dự án này, HĐND TP HCM thử làm khoảng 2.000 phiếu khảo sát hỏi nhiều tầng lớp nhân dân xem họ ủng hộ hay phản đối dự án này và cũng để biết việc xây dựng nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm có "cấp bách và dân cần" hay không.