Chiều 25/10, Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Theo kết quả, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận được số phiếu tín nhiệm cao, đứng đầu khối Quốc hội và Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ bị đánh giá tín nhiệm thấp nhất với 137 phiếu tín nhiệm thấp, chỉ có 140 phiếu tín nhiệm cao.
Các đại biểu Quốc hội đã làm tròn trách nhiệm
Đánh giá cách làm của Quốc hội nhiệm kỳ này, Thiếu tướng Lê Văn Cương — nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, thông qua lá phiếu, các đại biểu Quốc hội đã làm tròn trách nhiệm mà cử tri giao cho.
Tỷ lệ % tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp phản ánh khá khách quan và đúng mức uy tín cũng như phẩm chất năng lực, khả năng thực hiện nhiệm vụ của các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
"Không tự dưng một số Bộ trưởng bị nhiều phiếu tín nhiệm thấp như vậy, điều đó cho thấy các chức danh này chưa đáp ứng được mong mỏi của cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội. Nhìn vào tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, cho thấy các đại biểu Quốc hội đã thể hiện đúng tinh thần trách nhiệm, công tâm, khách quan, nghiêm túc trong cách đánh giá của mình" — ông Lê Văn Cương nêu ý kiến.
"Cử tri, người dân đòi hỏi những người nào không đáp ứng được yêu cầu ở cấp chiến lược thì cần phải thay thế. Chức danh nào có nhiều đại biểu tín nhiệm thấp cũng nên tự nguyện xin rút khỏi vị trí công tác hiện nay để bố trí người khác" — ông Lê Văn Cương cho biết.
Trong bối cảnh hiện nay, việc lấy phiếu tín nhiệm càng khẳng định đại biểu Quốc hội đã thay mặt cử tri, nhân dân đánh giá tín nhiệm các chức danh ở mức độ nào. Ý nghĩa là để cho những người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thấy mình được tín nhiệm ở mức nào, mình đang đứng ở đâu, nếu tín nhiệm cao thì cần phải phấn đấu hơn nữa, còn tín nhiệm thấp thì cần phải có chương trình hành động cụ thể khắc phục được điểm bất cập, hạn chế của mình trong trong các lĩnh vực phụ trách cũng như đạt được kỳ vọng của nhân dân, cử tri.
Nên có văn hóa từ chức
"Người nào có số nhiều số phiếu tín nhiệm thấp thì cũng nên có văn hóa từ chức để tạo điều kiện cho những người có năng lực hơn, uy tín hơn thay thế, chứ không thể có chuyện cứ bầu ra là làm mãi. Điều đó cũng thể hiện bản lĩnh của người cán bộ".
Theo đánh giá của ông Lê Như Tiến, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cơ bản là khách quan, công tâm trong nhìn nhận đánh giá của các đại biểu Quốc hội; phản ánh được tâm tư nguyện vọng của cử tri về những bức xúc về một số lĩnh vực đang có những bất cập như Giáo dục, Giao thông…
Theo cựu đại biểu Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm tạo áp lực lớn đối với các tư lệnh ngành và các chức danh cho Quốc hội bầu và phê chuẩn. Vì áp lực như vậy, các vị cần lãnh đạo, chỉ đạo ngành của mình như thế nào để các đại biểu Quốc hội thấy được kết quả tốt thì sẽ tín nhiệm cao. Ngược lại, bản thân những người tín nhiệm thấp cũng phản ánh rằng quá trình công tác của họ có nhiều vấn đề.
Theo quy định, việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ đối với các chức danh cho Quốc hội bầu và phê chuẩn mà còn lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn. Ông Lê Như Tiến tin rằng qua việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố sẽ rút kinh nghiệm làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới.