"Trước đây chỉ viết lịch sử "từ phía chúng ta", chứ không hoặc rất ít đề cập từ góc độ của các chính quyền đối lập. Bây giờ bộ sử sẽ đề cập đến các tổ chức đoàn thể chính trị, tôn giáo, đến các chính quyền Bảo Đại, Trần Trọng Kim, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu… bởi đó là những thực thể lịch sử tồn tại trong những khoảng thời gian nhất định trong lịch sử Việt Nam. Lịch sử cần phải được mô tả một cách khách quan như nó từng diễn ra"- PGS TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
Đây là bộ sử Việt Nam gồm 25 tập, từ khi dựng nước đến năm 2015, trong đó có 13 tập lịch sử cổ trung đại, 12 tập lịch sử cận đại và hiện đại, 5 tập lịch sử biên niên và một hệ thống tư liệu phong phú. Bộ lịch sử đồ sộ này quy tụ khoảng 300 nhà sử học tham gia.
Dưới đây là cuộc trao đổi giữa VietTimes với PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, một trong những tác giả tham gia đề án, xung quanh bộ lịch sử đang được biên soạn.
Bộ sử đề cập đến chính quyền Bảo Đại, Trần Trọng Kim, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu
Sự đồ sộ của bộ quốc sử có hứa hẹn những quan điểm và nội dung mới mà nó thể hiện không, thưa ông? Điều gì khiến cho nó khác với các bộ lịch sử trước đó?
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Tất nhiên sẽ có những nội dung và quan điểm đánh giá mới, vì nếu chỉ viết lại điều đã viết trước đó thì chỉ gây tốn kém và không có ý nghĩa gì.
Khi triển khai bộ quốc sử này, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và các tác giả đã thống nhất một quan điểm: Lịch sử phải được viết toàn diện và toàn thể. Nếu trước đây chủ yếu chỉ viết về các lĩnh vực chính trị, quân sự, thì bây giờ viết đầy đủ hơn về các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục…
Về tính toàn thể, trước đây chỉ viết lịch sử "từ phía chúng ta", chứ không hoặc rất ít đề cập từ góc độ của các chính quyền đối lập. Bây giờ bộ sử sẽ đề cập đến các tổ chức đoàn thể chính trị, tôn giáo, đến các chính quyền Bảo Đại, Trần Trọng Kim, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu… bởi đó là những thực thể lịch sử tồn tại trong những khoảng thời gian nhất định trong lịch sử Việt Nam.
Nói tóm lại, lịch sử cần phải được mô tả một cách khách quan như nó từng diễn ra. Có một yêu cầu cao đối với các tác giả tham gia biên soạn bộ lịch sử này là rất hạn chế, không được trích dẫn tài liệu thứ cấp. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải tìm kiếm tư liệu thật đầy đủ, khai thác và đưa ra những tài liệu gốc chưa được công bố trong các bộ sử trước đó.
— Trong tập 22 (lịch sử Việt Nam giai đoạn 1965-1975) do tôi làm đồng chủ biên có hai chương về kinh tế, xã hội miền Nam, trong đó viết về hệ thống chính quyền của Việt Nam Cộng hòa cùng những phát triển của nền kinh tế, văn hóa, giáo dục trong thời kỳ này.
Các vấn đề về nông — lâm — ngư nghiệp và chính sách ruộng đất, mức độ tăng trưởng của công nghiệp miền Nam, thương mại, tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải, chính sách giáo dục… được đề cập một cách cụ thể. Điều này có ý nghĩa nhìn nhận sự tồn tại của chính quyền Việt Nam Cộng hòa như một thực thể trong một giai đoạn lịch sử Việt Nam.
Những đóng góp của chính quyền Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại, cũng như Việt Nam Cộng hòa trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa cũng được ghi vào trong bộ quốc sử. Công ước của Liên hợp quốc 1982 về Luật biển (UNCLOS) có nói về "sự thụ đắc liên tục" trong việc chiếm hữu và khai thác của vùng biển đảo mà một nước tuyên bố có chủ quyền.
Ông có thể nói rõ hơn về nền giáo dục miền Nam dưới thời Việt Nam Cộng hòa?
— Một đặc điểm nổi bật của các viện đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ này là tính tự trị của các viện đại học. Các chương trình học, nội dung giảng dạy, bộ máy tổ chức điều hành và nhân sự nội bộ… đều do các viện đại học tự quyết định. Đặc tính "mở" cũng được xem là một đặc điểm nổi bật của giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam thời Việt Nam Cộng hòa.
Đặc tính này biểu hiện qua chương trình học linh hoạt, giáo trình giảng dạy các môn học không bị đóng khung hay phải chịu các quy định khắt khe về nội dung và luôn được điều chỉnh, cập nhật nhằm đảm bảo cho sinh viên được tiếp cận với các kiến thức khoa học mới. Có thể nói, từ giữa thập kỷ 60, giáo dục miền Nam có một bước phát triển đáng kể, đặc biệt là đào tạo đại học và đào tạo chuyên nghiệp.
Các cuộc chiến tranh và cải tạo công thương nghiệp được viết kỹ hơn
— Từ góc độ tiếp cận này, lịch sử hiện đại Việt Nam còn rất nhiều vấn đề cần được nghiên cứu và đánh giá lại. Trong bộ quốc sử lần này, các vấn đề về cải cách ruộng đất (1954-1956), Nhân văn giai phẩm, vụ xét lại chống Đảng (1963-1968), cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc và cải tạo tư sản ở miền Nam sau năm 1975… đều được đề cập, không tránh né, với những quan điểm đánh giá mới và được phân tích kỹ hơn.
Chúng tôi cho rằng phải đề cập đến mọi vấn đề lịch sử. Công việc của các nhà khoa học là nếu có được tư liệu thì cứ viết ra, còn các nội dung đó được đánh giá và xử lý như thế nào là chuyện sau đó.
Hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam được đánh giá và lý giải ra sao, thưa ông?
— Về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2/1979, phải coi đây là một cuộc chiến tranh xâm lược biên giới chứ không phải là xung đột biên giới. Đây là giai đoạn lịch sử mà tôi rất quan tâm và tôi luôn bày tỏ quan điểm phải đưa giai đoạn lịch sử này vào sách lịch sử, sách giáo khoa cụ thể hơn cũng như đưa ra công luận một cách rộng rãi hơn vì đây là sự kiện rất lớn trong lịch sử hiện đại của Việt Nam.
Về cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và thời kỳ quân đội Việt Nam ở Campuchia, liệu có số liệu cụ thể về sự tổn thất không, thưa ông?
— Chiến tranh không chỉ là những thắng lợi mà còn bao gồm cả những tổn thất, thiệt hại. Hiện chúng tôi chưa có số liệu chính xác, nhưng mức tổn thất của 10 năm chiến tranh biên giới Tây Nam có thể tương đương với mức tổn thất trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).
Về cuộc tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, bộ sử cũng đưa ra những đánh giá về những sai lầm trong chiến lược khiến gây ra những tổn thất nặng nề, đặc biệt là cuộc tấn công đợt 2 và đợt 3, khi đã không còn yếu tố bất ngờ.
Tuy nhiên, chúng tôi gặp một vấn đề khó khăn là việc tiếp cận nguồn tư liệu gốc, nhất là đối với những vấn đề, sự kiện được coi là nhạy cảm nên chưa thể có được những phân tích và đánh giá toàn diện, cụ thể.
Có thể thấy, đưa ra được những nội dung và quan điểm mới đã là điều khó khăn, nhưng thể hiện quan điểm mới đó như thế nào là công việc còn khó khăn hơn nữa. Chắc chắn vẫn sẽ còn những khoảng trống trong lịch sử chưa được đào bới, mổ xẻ sâu hơn. Ông có thể nói rõ hơn về những khó khăn đó không?
Bên cạnh đó là những khó khăn về cách tiếp cận và nhận thức lịch sử. Phải tiếp tục đổi mới nhận thức. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nói: "Lịch sử chỉ diễn ra một lần nhưng viết về lịch sử có thể viết nhiều lần và mỗi lần ở những góc độ khác nhau, từ đó tiệm cận với sự thật khách quan".
Quan điểm của cá nhân tôi là không nên "hiện đại hóa" lịch sử mà phải xuất phát từ quan điểm, nhận thức lịch sử của thời kỳ lịch sử đó để từ đó đưa ra những phân tích, đánh giá và lý giải thì sẽ khách quan hơn.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!