Chiều tối 29/10, tại Matxcova đã diễn ra Khóa họp lần thứ 21 Ủy ban liên Chính phủ Việt — Nga về hợp tác kinh tế — thương mại và khoa học — kỹ thuật. Khóa họp đã diễn ra thành công trong bầu không khí tin cậy, cởi mở, mang tính chất xây dựng và hữu nghị, đặc trưng cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam — Liên bang Nga. Đó là đánh giá của đại diện hai bên, Phó thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng — chủ tịch phân ban Việt Nam và Phó thủ tướng Nga Maksim Akimov — chủ tịch phân ban Nga của Ủy ban liên Chính phủ.
"Có thể nói, Phiên họp toàn thể của UBLCP Việt — Nga đã thành công tốt đẹp và đạt được những kết quả hết sức thực chất", — Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại bế mạc Khóa họp.
Tại Khóa họp lần này, hai bên đã đánh giá hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong thời gian qua phát triển năng động với việc triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam — Liên minh kinh tế Á — Âu (VN-EAEU FTA). Theo đó, kim ngạch thương mại Việt — Nga đã đạt 3,55 tỷ USD năm 2017, tăng 31% so với năm 2016. Kim ngạch thương mại song phương trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt 3,4 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2017. Nga chủ yếu xuất khẩu sang Việt Nam lúa mì, thép, than,… Còn các mặt hàng Việt Nam xuất sang Nga chủ yếu là thủy sản, nông sản, điện thoại là phụ kiện.
Tháo gỡ những vướng mắc, rào cản, khó khăn trong thực hiện VN-EAEU FTA là một trong những chủ đề chính của cuộc họp Ủy ban Liên chính phủ lần này. Vấn đề là: kết quả thực hiện FTA tốt, nhưng với thực trạng và tốc độ như hiện nay thì liệu nhiệm vụ đạt 10 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương vào năm 2020 có thực hiện được hay không? Có cần những cơ chế hợp tác mới, hiệu quả hơn không?
"Tôi cho rằng, mục tiêu đạt 10 tỷ đô la Mỹ kim ngạch song phương Việt-Nga vào năm 2020 là một thách thức rất là lớn. Chính vì thế, chúng ta cần có những cơ chế hợp tác mới mang tính đột phá. VN-EAEU FTA là nền tảng quan trọng để thúc đẩy thương mại song phương. Song chúng ta thấy rằng, trong hai năm thực hiện FTA có những vướng mắc. Cụ thể là biện pháp phòng vệ ngưỡng. 12 mặt hàng của Việt Nam trong hai năm qua đã phải chịu tác động của biện pháp này. Tại kỳ họp này hai bên đã thống nhất triển khai quá trình tham vấn trước khi áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng. Tôi cho rằng đây là giải pháp quan trọng trong thời gian tới. Chủ tịch khóa họp lần này đã giao cho các bộ ngành tìm cơ chế tham vấn, để hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng này, tạo thuận lợi hơn cho thương mại Việt Nam — Liên bang Nga. Chỉ như vậy chúng ta mới đẩy nhanh hơn được thương mại song phương và đạt được mục tiêu đã đề ra", — Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Hoàng Quốc Vượng phát biểu với Sputnik.
"Năm 2019 Việt Nam sẽ là khách mời của Nga tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Saint Peterburg và hy vọng với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nga tiếp tục đẩy mạnh hợp tác vùng với Việt Nam, chú trọng thu hút đầu tư vào vùng Viễn Đông. Nga sẽ mời Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông được tổ chức vào tháng 9/2019 tại Viễn đông", — Phó thủ tướng Nga Maksim Akimov phát biểu tại cuộc họp.
Khóa họp lần thứ 21 Ủy ban liên Chính phủ Việt — Nga về hợp tác kinh tế — thương mại và khoa học — kỹ thuật được cả hai bên đánh giá là rất thành công và thiết thực. Điều đó có thể minh chứng bằng việc thảo luận những vấn đề cụ thể rất được hai bên quan tâm như việc phê duyệt nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân; việc nâng số lượng các doanh nghiệp Nga được cấp phép xuất khẩu thịt bò và gia cầm sang Việt Nam; việc mở rộng danh sách doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản sang Nga; đàm phán và ký kết Hiệp định tuyển dụng có tổ chức công dân Việt Nam sang làm việc tại Liên bang Nga; tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận sức khỏe và ngoại ngữ tại Việt Nam cho các công dân Việt Nam sang lao động tại Nga…
1. Biên bản ghi nhớ về việc "Tham gia xây dựng các giải pháp kỹ thuật để thiết lập các kênh thanh toán liên ngân hàng trực tiếp với bảo đảm an ninh thông tin vào hệ thống thanh toán của Nga và Việt Nam" giữa Tập đoàn Alliance Itek và Công ty Cyberplatsoft và Công ty Positive Technologies
2. Biên bản ghi nhớ "Về hợp tác trong triển khai thực tế các giải pháp kỹ thuật của PAO Micron cho các lĩnh vực các công nghệ ngân hàng, giao thông, bảo mật thông tin, ứng dụng chứng thực tài liệu điện tử, chữ ký điện tử tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" giữa Tập đoàn "Alliance Itek Corporation" và PAO "Micron"
3. Biên bản ghi nhớ về việc "Xây dựng xí nghiệp liên doanh sản xuất thiết bị viễn thông tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giữa Công ty TNHH QT và Công ty T8.
4. Biên bản ghi nhớ về việc "Xây dựng xí nghiệp liên doanh sản xuất các cấu kiện siêu cao tần (SCT) và các hệ thống vô tuyến điện tử tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" giữa Công ty Qt (thuộc FPT) và Công ty "Submicron technologies".