Về vụ việc này, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) chất vấn: "Công an Cần Thơ nhân dịp một doanh nghiệp mua 100 đô trái phép đã khám nhà chủ doanh nghiệp, tịch thu tài sản được cho là không có nguồn gốc. Việc đó đúng luật pháp hay sai?". Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tóm tắt diễn biến vụ việc và những cơ sở pháp lý dẫn đến quyết định xử lý của công an Cần Thơ.
Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh lại nội dung câu chất vấn trên một cách ngắn gọn, rõ ràng, "vừa qua Công an Cần Thơ đã có những động thái khám nhà, tịch thu tài sản trong vụ đổi 100 USD của một người dân ở tiệm vàng. Việc xử lý như thế có đúng pháp luật không" để cả Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và trả lời.
Không chỉ vậy, Chủ tịch QH còn gợi ý hướng giải quyết tận gốc của vấn đề: "Mặc dù chúng ta có nghị định xử phạt như thế nhưng tính chất vụ việc là một người có 100 USD đi đổi, chứ không phải là đi mua hay kinh doanh ngoại tệ gì. Có vi phạm, nhưng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải xem xét sửa đổi quy định này".
Dù ý kiến đưa ra nhẹ nhàng, nhưng cô đọng, những chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân — người điều khiển phiên chất vấn — cơ bản thỏa mãn nội dung chất vấn và sự mong chờ của đông đảo của cử tri.
Trước đó, như Dân trí thông tin, ông Trần Quốc Hà — Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ cho biết, ông đã nhận được chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng giải quyết: Trả lại tang vật 100 USD cho ông Cà Rê. Vì người dân hạn chế hiểu biết về pháp luật, thu nhập thấp nên xem xét miễn giảm tiền phạt hoặc miễn luôn, tùy lãnh đạo TP Cần Thơ quyết định.
Như vậy, về cơ bản việc giải quyết phạt hành chính với ông Cà Rê đã có hướng giải quyết thấu tình đạt lý.
Vậy nhưng, chính lúc này, khi vụ việc tiếp tục được đưa lên diễn đàn QH, dư luận thấy cần làm rõ vụ việc này đến nơi đến chốn về cách xử lý của cơ quan chức năng lẫn văn bản pháp quy của chúng ta.
Về vấn đề này, phát biểu tại diễn đàn quốc hội, ĐB Nguyễn Chiến, cho rằng: "Mức phạt phải xem xét lại, đổi 10 USD, 100 USD, 1.000 USD hay 100.000 USD hiện đều có cùng mức phạt 80 — 100 triệu đồng là không phù hợp". Chỉ cần thấy việc đánh đồng 10 USD với 100.000 USD hay triệu USD trong cùng khung hình phạt là cực kỳ vô lý. Vậy tại sao sự vô lý này vô tư tồn tại lâu như vậy?
Chắc chắn, nếu không có việc phạt "chẳng giống ai" dù đúng luật, mọi người cũng chẳng để ý đến nghị định này. Người viết cho rằng việc phạt này "chẳng giống ai" vì hầu hết người dân có nhu cầu mua bán ngoại tệ đều ra các tiệm vàng mua bán mà chẳng biết mình phạm luật. Thậm chí, ở ngay Hà Nội, công an bắt quả tang một số tiệm vàng mua bán ngoại tệ, nhưng chưa thấy ai xử người dân mua ngoại tệ kiểu như Cần Thơ.
Vậy tại sao Cần Thơ lại có cách xử lý như vậy là một câu hỏi cần phải làm rõ, vấn đề được Chủ tịch QH nêu lên.
Thứ nhất, lệnh khám nhà được ký trước ngày bắt quả tang vụ mua bán 100 USD. Vậy việc khám nhà và vụ bắt quả tang này quan hệ với nhau như thế nào cũng cần làm rõ. Chính đó, cũng là lý do khiến các nhà báo đặt ra câu hỏi trong buổi họp báo của công an TP. Cần Thơ: Ông Cà Rê có phải là "chim mồi" của công an?
Thứ hai, vì sao sau hơn nửa năm sau vụ bắt quả tang mới đưa ra xử phạt hành chính, vậy hành vi này có đúng luật hay không và có uẩn khuất gì sau hành vi bất thường này?
Thứ ba, việc tịch thu tài sản (kim cương, vàng) trong tủ gia đình chủ tiệm vàng có đúng luật?
Những câu hỏi được đặt ra và các cơ quan chức năng cần trả lời rõ ràng: đúng hay sai, để không chỉ dư luận bớt bức xúc mà cho dân biết và giám sát: Các cơ quan chức năng được làm cái gì và không được làm cái gì.
Nếu làm rõ được những câu hỏi này, sẽ ngăn ngừa được nạn những cán bộ thi hành công vụ nhiều khi ép cho đến "chết" những ông chủ doanh nghiệp "không biết điều" nhằm "dằn mặt" những ông chủ khác.