Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Ông Chase Carey — Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc F1; Bà Chloe Targett — Adams — Giám đốc thương mại F1, lãnh đạo tập đoàn Vingroup cùng hơn 100 nhà báo trong và ngoài nước cùng dự buổi họp báo.
Cuộc đua Công thức 1 — F1 luôn được xem là vua của mọi giải đua xe, luôn chứa đựng nhiều điều cuốn hút. Đây còn là giải đấu quy tụ những công nghệ tân tiến nhất của nền công nghiệp ôtô toàn cầu với các mẫu động cơ hiện đại, hệ thống điều khiển thông minh cùng những mẫu xe mới nhất.
Bên cạnh cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các hãng xe là sự đấu trí về chiến thuật giữa các tay đua qua từng khúc cua, từng vòng đua hay mỗi lần thay lốp.
Cạnh tranh quyết liệt để được đăng cai
Tại châu Á, hiện nay (2018) có các vòng đua tại Trung Quốc (Thượng Hải), Nhật Bản (Suzuka — Nagoya), Singapore, Bahrain. Vòng đua Hà Nội — Việt Nam được triển khai sẽ trở thành một phần trong hệ thống Giải đua xe Công thức 1 Vô địch thế giới từ năm 2020, là đường đua thứ 3 trên thế giới được tổ chức trên phố.
Mùa giải F1 là một sự kiện truyền hình lớn, thu hút hàng triệu người hâm mộ theo dõi trên khắp thế giới. Theo báo cáo của Liberty, hiện có khoảng hơn 400 triệu người trên thế giới theo dõi trực tiếp các cuộc đua Công thức 1 trên truyền hình toàn cầu. Đây là môn thể thao tốn kém bậc nhất với kinh phí mỗi đội tham gia rót vào trung bình từ 125 đến 500 triệu USD/năm.
Vượt qua nhiều khó khăn, cùng sự cạnh tranh quyết liệt. Hà Nội cuối cùng cũng đi đến đích.
Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động cho biết, các chuyên gia kỹ thuật F1 đã nhiều lần đến Hà Nội để khảo sát, đánh giá, xác định thành phố Hà Nội có đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng để tổ chức Giải đua xe Công thức 1 như: Sân bay; Hạ tầng giao thông (từ sân bay về đường đua trong vòng 1 giờ đồng hồ); Hệ thống khách sạn; Dịch vụ vận chuyển hàng hóa; Hạ tầng viễn thông; Mạng 4G; Hạ tầng truyền hình; các hệ thống kho bãi (Logistics); Nguồn nhân lực…
Đặc biệt, Việt Nam và Hà Nội nói chung có một nền văn hóa đa dạng, có nhiều sản phẩm văn hóa phi vật thể có thể đưa vào để tổ chức các sự kiện bên lề nhằm đưa đến cho khán giả, khách du lịch có nhiều trải nghiệm.
Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng lại có số lượng giới trẻ cao. Người sử dụng smartphone, sử dụng Internet vào nhóm cao trên thế giới.
Địa điểm này đảm bảo sự phù hợp với quy hoạch là khu vực để tổ chức các sự kiện thể thao quy mô quốc gia và thế giới, đặc biệt là hạ tầng giao thông đã được xây dựng tương đối đầy đủ và phù hợp đối với Giải đua xe F1, đã được các chuyên gia kỹ thuật F1 đồng ý lựa chọn.
Theo tính toán của F1, với sơ đồ thiết kế hướng tuyến đường đua hiện nay, đường đua Hà Nội — Việt Nam được triển khai sẽ trở thành một phần trong hệ thống Giải đua xe F1 vô địch Thế giới; là đường đua thứ 3 đua trên đường phố. Cấu trúc đường đua dài 5.565 km được thiết kế bởi Tập đoàn Tilke của Đức.
Chặng đua tại Hà Nội không chỉ là thử thách đối với các tay đua mà còn mang đến cho khán giả, người hâm mộ những màn trình diễn hấp dẫn, đầy thú vị cho cả các tay đua lẫn người hâm mộ.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh:
"Mọi người cứ nghĩ đua xe Công thức 1 là dành cho người giàu. Giải tổ chức ở Hà Nội sẽ dành cho tất cả người dân. Ai cũng có thể trải nghiệm giải đấu hấp dẫn này. Dự kiến giải đầu tiên sẽ được tổ chức vào tháng 4-2020".
Thành phố đăng cai, tư nhân tổ chức
Đồng thời, sẽ tạo ra một sự kiện thể thao giải trí hấp dẫn cho người dân trải nghiệm vào dịp cuối tuần; thu hút khách du lịch quốc tế đến Hà Nội và cả nước; Tạo đà cho phát triển và nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành, vận chuyển và các loại hình dịch vụ phục vụ khác; Phát triển các dịch vụ chất lượng cao như hậu cần (logistic), hàng không, giải trí, truyền hình, sản xuất và bán các loại quà lưu niệm…
Giải đấu cũng tạo thêm việc làm cho người dân Thủ đô; Là cơ hội cho văn hóa phi vật thể, văn hóa ẩm thực của Hà Nội và Việt Nam phát triển qua việc tổ chức các sự kiện bên lề giải đua và cung cấp hậu cần; Tăng lượng khách du lịch trong và ngoài nước, từ đó tạo ra doanh thu cho ngành du lịch, dịch vụ, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của thành phố Hà Nội.
Cùng đó, Tập đoàn Vingroup là đơn vị tổ chức. Để thực hiện tổ chức thành công sự kiện này, Tập đoàn Vingroup đã thành lập Công ty Grand Prix Việt Nam (là công ty con của Tập đoàn Vingroup) là đầu mối đứng ra tổ chức độc quyền sự kiện. Phí đăng cai do Công ty Grand Prix Việt Nam chi trả cho F1.
Nguồn thu dự kiến từ tổ chức Giải đua bao gồm: Doanh thu bán vé; Từ các dịch vụ cung cấp cho F1 và các đội đua; Doanh thu từ dịch vụ quảng cáo trong toàn bộ Giải đua; Doanh thu từ việc tổ chức các sự kiện bên lề của Giải đua (một số sự kiện có bán vé), việc tổ chức khu bán các sản phẩm của các thương hiệu; các sản phẩm lưu niệm và dịch vụ phục vụ Giải đua; Hỗ trợ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; Doanh thu từ bán lại quyền phát sóng truyền hình cũng như cùng F1 tổ chức truyền hình trực tiếp qua các kênh truyền hình trả tiền trên lãnh thổ Việt Nam.
Thành phố Hà Nội hỗ trợ công tác đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông, phòng cháy chữa cháy, chăm sóc y tế và duy tu, duy trì đường đua phục vụ giao thông đi lại trong khu vực trường đua và khu vực lân cận…