Nghị sỹ Eduardo Rubio từ Đảng Nhân dân thống nhất (cánh tả) trong cuộc đối thoại với Sputnik cho biết việc triển khai tám máy bay và 400 nhân viên quân sự trên thực tế là một vụ "chiếm đóng" Uruguay bằng vũ lực của Washington.
"Thực tế là việc biến Uruguay thành căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ không phải là một ý tưởng hay. Mặt khác, việc biến Uruguay thành mục tiêu quân sự cũng không tốt: nếu cần nhiều lực lượng quân sự để bảo vệ, thì có nghĩa là có sự đe dọa. Và chúng tôi vô tình thấy chính mình trong tâm chấn" nghị sỹ nói.
Cuộc tranh luận về sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Uruguay trong thời gian hội nghị thượng đỉnh G-20 đã bùng lên do dự luật, theo đó, từ ngày 26 tháng 11 đến ngày 3 tháng 12, cho phép quân đội Mỹ và nước thứ ba được phép hiện diện tại nước này.
Theo Hiến pháp Uruguay, để phê chuẩn một đạo luật như vậy, cần đạt được đa số trong Đại hội đồng — là cơ quan lập pháp thống nhất giữa Hạ viện và Thượng viện.
Theo Rubio, "thật buồn khi Donald Trump muốn sử dụng Uruguay làm căn cứ cho quân đội Mỹ", đặc biệt khi tính đến việc đất nước Nam Mỹ này không tham gia hội nghị thượng đỉnh.
"Chúng tôi chỉ ở gần Argentina. Tại sao không thiết lập một căn cứ trên lãnh thổ của họ, khi hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra ở đó?", nhà lập pháp tự hỏi.
Theo thông tin do chính phủ cung cấp cho Đại hội đồng, ba chiếc máy bay chở hàng KC 135, hai chiếc máy bay vận tải và ba chiếc Awac (cảnh báo trên không) sẽ đến Montevideo để đảm bảo "sự hỗ trợ hậu cần và an ninh" cho phái đoàn Mỹ, do Tổng thống Trump đứng đầu.
Trong lưu ý giải thích cho dự thảo luật, chính phủ yêu cầu "cho phép quân đội từ các nước tham gia hội nghị thượng đỉnh vào đất nước, nếu họ đưa ra yêu cầu thích hợp" liên quan đến "tầm quan trọng và tính khẩn cấp của hội nghị thượng đỉnh".
Theo tin của tờ báo El Observador, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Javier García từ Đảng Quốc gia, bày tỏ lo ngại về việc cho phép này. Mặc dù trên thực tế, ông không chống lại sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đất nước, ông vô cùng bối rối trước viễn cảnh triển khai cơ sở hạ tầng quân sự của các nước thứ ba mà không có sự thỏa thuận cần thiết.
Rubio nhắc lại việc Hoa Kỳ đã từng triển khai quân đội ở Uruguay. Ví dụ, vào năm 2007, trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống George W. Bush.
"Khi Bush đến, chúng tôi" đã bị chiếm đóng trong một vài ngày", ông kết luận, trích dẫn lời của tướng Uruguay Victor Licandro, một trong những người sáng lập đảng Mặt trận rộng rãi (Frente Amplio).