Sự cố thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng xảy ra trên diện rộng và liên tục tại Đà Nẵng thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến đến cuộc sống của người dân thành phố, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận — không chỉ ở Đà Nẵng.
Những thông tin đa chiều xoay quanh sự việc — kể cả những "thuyết âm mưu" — càng cho thấy tính trầm trọng của vấn đề.
Để rộng đường dư luận, VietTimes đã có cuộc trao đổi đối với ông Hồ Hương — Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc cung cấp và đảm bảo nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
- Mấy ngày qua, không chỉ báo chí, dư luận, mà có thể nói là cả hệ thống chính trị Đà Nẵng đã vào cuộc, trước tình trạng thiếu nước nghiêm trọng của thành phố. "Đà Nẵng "khát" giữa mùa mưa" — nhiều ý kiến đã ví von như vậy. Ông có thể cho biết nguyên nhân chính, cốt lõi của việc này để người dân, dư luận được rõ, thưa ông?
Theo số liệu quan trắc từ năm 2003 đến nay chưa có năm nào mà vào tháng 10, tháng 11 lại xảy ra mặn tại cửa thu nước Nhà máy nước (gọi tắt là NMN) Cầu Đỏ. Những năm trước — vào tháng 10, tháng 11 — độ mặn cao nhất phổ biến từ 23,4 mg/l. Cá biệt tháng 10/2014, độ mặn cao nhất lên mức 116mg/l.
Tuy nhiên năm nay, độ mặn đo được từ ngày 20/10 — 09/11 dao động từ 372 mg/l-4.374mg/l (lúc 20h00 ngày 05/11). Đặc biệt, từ ngày 05/11-07/11, độ mặn luôn đạt trên 1.000mg/l.
Khi độ mặn dưới 250mg/l (xem như không bị nhiểm mặn) thì lấy nước thô tại cửa thu nước tại Cầu Đỏ và lưu lượng hoàn toàn đủ cung cấp cho NMN Cầu Đỏ và NMN Sân bay hoạt động, với công suất có thể đến 280.000 m3/ngày đêm. Cộng với một số nhà máy nhỏ khác như Sơn Trà, Hải Vân, Khe Lạnh, Phú Sơn — công suất khoảng 10.000m3/ngày đêm — thì hoàn toàn đủ cung cấp cho nhu cầu toàn TP (những ngày này khoảng 270.000m3/ngày đêm).
Khi độ mặn từ 250mg/l (ngưỡng nhiễm mặn) đến dưới 1.000mg/l, chúng tôi vừa lấy nước thô tại cửa thu nước tại Cầu Đỏ, vừa lấy nước bơm từ Trạm bơm An Trạch về pha trộn tại hồ lắng sao cho độ mặn dưới 250mg/l để đưa vào sản xuất. Khi này, lượng nước thô cấp cho NMN Cầu Đỏ và Sân bay giảm, nước trong mạng lưới yếu hơn bình thường.
Khi độ mặn trên 1.000mg/l (rơi vào những ngày 5 — 7/11) thì nguồn nước thô cấp cho NMN Cầu Đỏ và Sân bay gần như phụ thuộc hoàn toàn vào lượng nước bơm từ Trạm An Trạch về. Công suất Trạm An Trạch chỉ là 210.000m3/ngày đêm, do đó, lượng nước thô bơm về (trừ thêm lượng thất thoát trên đường ống từ An Trạch về Cầu Đỏ) không đủ cung cấp cho NMN Cầu Đỏ và Sân bay hoạt động. Thực tế này dẫn đến tình trạng thiếu nước cấp cho mạng lưới.
Như vậy, nguyên nhân chính, mang tính cốt lõi của câu chuyện thiếu nước xảy ra những ngày qua là tình trạng nhiểm mặn trên 1.000mg/l tại cửa thu nước NMN Cầu Đỏ diễn ra liên tục, nhiều ngày. Trong khi công suất của trạm bơm An Trạch không đáp ứng được nhu cầu vận hành của 2 nhà máy nước: Cầu Đỏ và Sân bay.
- Với nguyên nhân vậy, liệu người dân Đà Nẵng còn phải "khát" đến bao giờ? Như đã nói, hiện tại đang là mùa mưa, thưa ông (?!).
Để khắc phục được tình trạng thiếu nước, ta phải giải quyết được nguyên nhân gây ra.
Có 3 phương án được nghiên cứu. Phương án thứ nhất: Xây dựng công trình ngăn mặn tại cửa thu của nhà máy nước Cầu Đỏ; Phương án thứ hai: Xây dựng thêm trạm bơm mới tại An Trạch — với công suất được tính toán sao cho đủ đáp ứng cho hiện tại và tương lai xa; Phương án thứ ba: Xây dựng nhà máy nước mới trên An Trạch.
Mỗi phương án đều có mặt ưu, mặt khuyết và đã được Dawaco báo cáo đề xuất. Hiện các cấp đang xem xét.
Một khi nguyên nhân chưa được khắc phục thì nguy cơ thiếu nước sẽ vẫn thường trực, và chưa thể giải quyết dứt điểm.
Như tôi đã từng nói, đó là mặc dầu đang cao điểm mùa mưa nhưng tình trạng khô hạn ở thượng nguồn là nghiêm trọng. Các thông tin này được đăng tải trên các trang chuyên ngành của tỉnh Quảng Nam, khi số liệu và thực trạng mực nước, lưu lượng nước về tại các hồ thủy điện A Vương, DakMi 4, Sông bung 4 từ ngày 20/10 — 09/11 đã thể hiện rất thấp.
Trong khi đó, mùa mưa các năm trước, lượng nước ở thượng nguồn về các hồ chứa thủy điện trên rất nhiều. Do đó không có hiện tượng nhiểm mặn xảy ra tại Cầu Đỏ.
- Có một phương án mang tính tạm thời nhưng có vẻ là khả dĩ để tạm xử lý tình trạng thiếu nước sinh hoạt, đó là vận hành cắt nước luân phiên. Tại sao Dawaco không áp dụng, mà lại để tình trạng thiếu nước sinh hoạt liên tục tái diễn trên diện rộng và trong thời gian lâu đến như vậy?
Trước tiên phải khẳng định, phương án này đã có trong kịch bản do Dawaco xây dựng và đã được UBND tTP Đà Nẵng phê duyệt. Tuy nhiên, việc áp dụng ở thời điểm nào cần hết sức cân nhắc vì hệ lụy rất lớn.
Việc liên tục đóng mở các van khu vực sẽ gây xáo trộn lớn và ảnh hưởng đến chất lượng nước. Đặc biệt là khi việc súc xả mạng lưới theo kế hoạch năm (thực hiện vào cuối mùa hè) chưa hoàn thành (Dawaco đang thực hiện thì xảy ra nhiễm mặn nên tạm dừng).
Thực tế vừa qua — sau khi trao đổi, khảo sát và làm việc với đại diện Ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (vì ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các Doanh nghiệp trong khu công nghiệp), chúng tôi đã ký Kế hoạch thực hiện cắt nước luân phiên vào chiều ngày 07/11. Nhưng từ 16h ngày 07/11, qua theo dõi độ mặn có xu hướng giảm dần, nên chúng tôi dừng thực hiện.
- Liên quan đến việc cắt thiếu nước sinh hoạt cho người dân Đà Nẵng, dư luận cho rằng, vì vấn đề lợi nhuận, vì muốn triển khai nhanh Nhà máy nước Hòa Liên theo ý của mình mà Dawaco đã dùng người dân Đà Nẵng "làm con tin". Quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào, thưa ông?
Quan điểm của tôi đó là cho dù với bất kỳ lý do gì thì không ai, không tổ chức, đơn vị nào có thể lấy người dân Đà Nẵng làm con tin. Hành động đó sẽ bị pháp luật nghiêm trị.
Hơn nữa việc thiếu nước do nguyên nhân nhiễm mặn — Thế thì sao chúng ta không đặt vấn đề xây dựng công trình ngăn mặn tại Cầu Đỏ — nó sẽ nhanh hơn nhiều và giải quyết căn cơ nguồn nước thô cho NMN Cầu Đỏ và Sân bay.
Còn NMN Hòa Liên là tính cho những năm đến. Giả sử khi có NMN Hòa Liên, nhưng bài toán chống mặn tại Cầu Đỏ vẫn không được giải quyết, thì an ninh nguồn nước cho người dân TP Đà Nẵng vẫn không đảm bảo!
Chân thành cảm ơn ông!