Mặc dù tại Hội nghị cấp cao ASEAN đã vang lên những lời tuyên bố về tiến bộ lớn trong quá trình thảo luận Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhưng, Trung Quốc và các nước ASEAN vẫn có cái nhìn khác nhau về tính hiệu quả của văn kiện này, và Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng, họ sẽ không rời khỏi khu vực này và sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải.
"Biển Đông là một trong những "điểm nóng" của vòng cung bất ổn Á — Âu",- Giáo sư Vladimir Kolotov, chủ nhiệm bộ môn lịch sử Viễn Đông của Đại học Saint Petersburg, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, nhận xét. Ngay từ năm 2012 Viện Hồ Chí Minh đã khởi xướng một dự án nghiên cứu vòng cung bất ổn Á-Âu và các vấn đề an ninh khu vực từ Đông Á đến Bắc Phi. Mỗi năm, những nhà khoa học hàng đầu của Nga và đại diện của cộng đồng chuyên gia đều phân tích những thay đổi trong vòng cung bất ổn và thảo luận về những đặc điểm của các mối đe dọa địa chính trị đang đe dọa nước Nga và các vùng trọng điểm trên lục địa Á Âu. Điều đó giúp họ dự báo đúng các tình huống nguy hiểm, ví dụ, như đã từng có với các sự kiện ở Ukraina.
Những người tham gia hội thảo khoa học thường kỳ được tổ chức gần đây tại Đại học St. Petersburg đã đưa ra một kết luận được đánh giá là đáng thất vọng. Giáo sư Vladimir Kolotov nói:
“Chúng tôi đã xem xét tình hình dọc theo các phân đoạn phía đông và phía tây của vòng cung bất ổn Á-Âu. Bây giờ khu vực nóng nhất là Trung Đông, nơi các chiến sự đang diễn ra tại Yemen và Syria. Một khu vực khác khá nguy hiểm là Đông Âu có liên quan đến Trung Đông. EU đã thông qua một bản tuyên bố mang tính khiêu khích về Biển Azov, tình hình với Giáo hội Chính thống giáo ở Ukraina là rất phức tạp, ngoài ra còn có những nỗ lực làm mất ổn định Belarus, Armenia và Kazakhstan. Ở những nước láng giềng với Nga tình hình vẫn diễn biến phức tạp.
Ở khu vực Đông Á tình hình cũng khá căng thẳng: ở Myanmar, Philippines, ở Biển Đông. Vào mùa hè ở Việt Nam đã có âm mưu kích động biểu tình, bạo loạn, có một số cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Nếu trước đây Việt Nam là một quốc gia ổn định nhất trong khu vực, thì bây giờ có những thế lực cố gắng “gây rối” tình hình. Các nhà chức trách đã đối phó với điều này, nhưng, chuông báo động đã vang lên. Các quốc gia kể cả Trung Quốc nên rút ra kết luận từ tất cả điều này. Bởi vì Trung Quốc càng làm trầm trọng thêm tình hình, Việt Nam càng sẵn sàng xích lại gần với Hoa Kỳ. Theo tôi, chính sách như vậy không mấy tích cực”.
Tình hình trên thế giới đang xấu đi mỗi ngày, Giáo sư Kolotov nói. Đang xuất hiện những lĩnh vực quân sự hóa mới, đã ghi nhận xu thế rời khỏi bất kỳ định ước nào của luật pháp quốc tế. Nga đang phải đối mặt không chỉ với cuộc chiến tư tưởng mà còn cuộc chiến kinh tế. Hoa Kỳ gọi Trung Quốc là "kẻ thù chính" và đe dọa phát động một "cuộc chiến tranh lạnh" quy mô lớn chống Bắc Kinh nếu Trung Quốc không tuân thủ các yêu sách của Washington.
Thế giới đang bước vào một giai đoạn bất ổn về kinh tế, tài chính và quân sự, và không có lý do nào để hy vọng rằng tình hình sẽ cải thiện trong tương lai gần. Trái đất đang trở nên một nơi ngày càng nguy hiểm để sinh sống, và các nước cần tập trung mọi nỗ lực, sử dụng các nguồn lực, tìm kiếm các đồng minh để tự bảo vệ mình, chuyên gia Nga kết luận.