Theo WSJ, cuộc gặp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo thế giới kết thúc trong sự thất vọng khi những khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc ngăn cản hội nghị đưa một tuyên bố chung, còn nước chủ nhà thì cáo buộc các quan chức Trung Quốc có hành vi đe dọa.
Theo lời hai quan chức cấp cao của nước chủ nhà, cảnh sát đã phải can thiệp khi một số quan chức Trung Quốc lao vào văn phòng đòi gặp Bộ trưởng Ngoại giao Papua New Guinea. Bắc Kinh phủ nhận sự việc này, cho rằng thông tin này được dựng lên để gây chia rẽ quan hệ hai nước.
Một quan chức Papua New Guinea cho biết, các quan chức Trung Quốc muốn tìm Ngoại trưởng Rimbink Pato để bày tỏ sự không hài lòng với dự thảo tuyên bố chung kỳ APEC năm nay.
Cuối tuần căng thẳng
Sự việc đánh dấu hai ngày cuối tuần căng thẳng tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea, nơi APEC diễn ra, trong đó nổi bật là sự bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Lần đầu tiên trong lịch sử 29 năm của APEC, các nền kinh tế thành viên kết thúc hai ngày làm việc mà không đưa ra tuyên bố chung nào, thay vào đó lãnh đạo nước chủ nhà Papua New Guinea chỉ có một bài phát biểu tổng kết sự kiện.
Thủ tướng Peter O'Neill sau đó chia sẻ với các phóng viên:
"Các bạn đều biết hai người khổng lồ trong phòng là ai, tôi có thể nói gì chứ".
Một quan chức cao cấp trong chính quyền Trump cho biết, nguyên nhân của căng thẳng giữa hai bên đều bắt nguồn từ một câu:
"Chúng ta đồng thuận chống lại chủ nghĩa bảo hộ bao gồm tất cả các biện pháp mậu dịch không công bằng".
The 2018 Chair of APEC Economic Leaders' Meeting (AELM), Prime Minister Peter O'Neill of Papua New Guinea addressed the media after the conclusion of the AELM in Port Moresby. #APEC2018 pic.twitter.com/7QVl9RgW75
— APEC Secretariat (@APEC) 18 tháng 11, 2018
Vị quan chức này nhận định, Mỹ đối đầu Trung Quốc không phải là nguyên nhân cản trở việc đưa ra tuyên bố chung, thay vào đó là việc "Trung Quốc đối đầu với tất cả các thành viên khác của APEC".
Vào ngày thứ bảy 17/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ trích Mỹ về các quan điểm thương mại và an ninh, kêu gọi lãnh đạo các nước phản đối "sự ngạo mạn và định kiến", trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington tranh giành tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, người đã có chuyến công du châu Á từ đầu tuần, quan ngại về việc Trung Quốc đe dọa chủ quyền và trạng thái của các nước nhỏ.
"Mọi thứ cần phải thay đổi".
Bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục diễn ra đằng sau những cánh cửa phòng hội nghị tại Papua New Guinea vào chủ nhật.
Chủ tịch Tập Cận Bình không nhắc đích danh nước Mỹ, nhưng phát biểu về chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ giống như một lời chỉ trích rõ ràng nhắm đến những chính sách của Tổng thống Donald Trump.
Phó tổng thống Mike Pence thì tuyên bố nước Mỹ sẽ "tiếp tục hành động để bắt các quốc gia chịu trách nhiệm trước những hành động làm ăn thiếu công bằng, như việc áp đặt hạn ngạch, thuế quan và các chính sách khác… cản trở thương mại".
Mỹ — Trung tranh giành ảnh hưởng ở khu vực
Vào tháng 9, các đại diện của Trung Quốc đã mâu thuẫn với quan chức Nauru sau khi các nhân viên hải quan ở quốc đảo này từ chối hộ chiếu ngoại giao Trung Quốc trong cuộc gặp của lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương.
Ông Jonathan Pryke, giám đốc chương trình Thái Bình Dương của viện Lowy, Sydney nhận định: "Họ thường là kẻ thù tồi tệ nhất của chính họ. Sự tham gia của họ trong khu vực được đánh giá là khá hung hăng, và điều này thường được thể hiện bằng hành động của các quan chức ngoại giao".
Hành động này cũng có thể liên quan đến tình hình chính trị nội bộ ở Trung Quốc, khi các quan chức đang phải đối mặt với áp lực để thể hiện những kết quả từ kế hoạch "Vành đai, Con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong bối cảnh đang có những lo ngại về tính hiệu quả của kế hoạch này.
Khu vực phía nam Thái Bình Dương, nơi có các tuyến đường thủy quan trọng và nguồn hải sản dồi dài, là một vùng chiến lược trong toan tính hiện đại hóa quân đội và gia tăng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc. Các hành động của Bắc Kinh đã khiến Mỹ và đồng minh lo ngại, cho rằng các đảo quốc ở đây sẽ đối mặt với bẫy nợ từ Trung Quốc.
Washington và các đồng minh khu vực đang cố gắng cạnh tranh với các hoạt động của Bắc Kinh. Vào ngày chủ nhật, Papua New Guinea ký thỏa thuận với Australia, Nhật Bản, New Zealand và Mỹ, đặt mục tiêu cung cấp điện cho 70% dân số vào năm 2030. Hiện tại chỉ có 13% dân số nước này được sử dụng nguồn điện ổn định.
Thỏa thuận này là sự kiện đầu tiên đánh dấu một mối quan hệ chiến lược ba bên được ký kết giữa Mỹ, Nhật Bản và Australia để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng ở vùng liên Ấn Độ Dương — Thái Bình Dương. Phó tổng thống Pence cho biết kết hoạch sẽ "đáp cứng nhu cầu thiết thực của người dân Papua New Guinea và tránh các khoản nợ không bền vững".
Ông Pence, trả lời các phóng viên trước khi rời Papua New Guinea, cho biết ông đã có hai cuộc gặp riêng, ngắn gọn và thẳng thắn, với Chủ tịch Tập trong khuôn khổ APEC. Phó tổng thống Mỹ cũng cho biết thêm cả hai bên đều không tìm kiếm một cuộc gặp chính thức.