Ý đồ sau mỗi cái tên mà Trung Quốc đặt ra
Thời gian qua, chiến lược truyền bá chủ quyền phi pháp trên biển Đông của Trung Quốc bao gồm cả việc đặt tên và truyền bá tên gọi theo tiếng Anh của các thực thể trên biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 14/11/2018, trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, TS Trần Công Trục — nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ khẳng định:
"Những tên gọi các quần đảo trên Biển Đông mà Trung Quốc tự đặt ra hoàn toàn không có giá trị pháp lý".
Vị chuyên gia phân tích, như trường hợp đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam được Trung Quốc đặt tên là Thái Bình. Đằng sau đó là cả một câu chuyện lịch sử, năm 1946, lợi dụng danh nghĩa giải giáp tàn quân Nhật, Trung Quốc cho tàu chiến Thái Bình đem quân đổ bộ lên đảo Ba Bình.
Ông Trục khẳng định:
"Hiện nay, Trung Quốc đang cố gắng áp đặt các tên gọi tại khu vực Biển Đông nghe sao giống với ngôn ngữ, văn hóa của nước họ khiến người nghe liên tưởng đến Trung Quốc mỗi khi nhắc đến các quần đảo, vùng biển này. Từ đó, họ lấy cớ mập mờ để khẳng định chủ quyền".
Không để Trung Quốc lấy đó làm cái cớ thể hiện chủ quyền
Về vấn đề này, Th.S Hoàng Việt — thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cũng cho rằng, việc đặt tên riêng cho mỗi vùng biển, đảo không thuộc chủ quyền của Trung Quốc mặc dù không mang nhiều giá trị pháp lý nhưng nó lại có ảnh hưởng đến tư duy của nhiều người, nhất là đối với bạn bè quốc tế khi họ còn đang mù mờ về những vùng lãnh thổ đang có sự tranh chấp trên thế giới.
Ngoài ra, trong một số văn kiện quốc tế, Trung Quốc cũng sử dụng tên vùng biển, đảo do mình tự đặt tên. Điều này ảnh hưởng rất lớn, khiến bạn bè quốc tế có thể dễ bị nhầm tưởng rằng những địa danh đó thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Theo Th.S Hoàng Việt, Việt Nam cũng đã có những dự án, đề tài lớn lên tới hàng chục tỷ đồng để nghiên cứu đặt lại tên cho các đảo thuộc chủ quyền của đất nước nhưng chưa cho ra kết quả cuối cùng.
Ví dụ, trong cộng đồng nhiều lần Google, Facebook có sự nhầm lẫn về tên gọi, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam… thì các học giả và cơ quan chức năng cần phải lên tiếng mạnh mẽ, hành động quyết liệt để các hãng này hiểu, gỡ bỏ và cải chính.
Đặc biệt, Việt Nam cần phải thực hiện mạnh công tác truyền thông, không chỉ trong nước mà còn truyền thông cả trên thế giới, nhắm vào những học giả lớn của các nước để họ hiểu được tên gọi chính xác các địa danh ở Biển Đông. Như trong cuộc hội thảo về Biển Đông mới diễn ra vào đầu tháng 11/2018, rất nhiều chuyên gia cũng lên tiếng phản đối tên tiếng Anh South China Sea, nhưng sự kiện này lại không được truyền thông mạnh mẽ.