Người ta hy vọng một bước đột phá tiềm năng gắn với cuộc gặp này theo hướng cải thiện mối quan hệ giữa hai cường quốc mà những tháng gần đây thực sự ở trạng thái chiến tranh, mặc dù chưa "nóng bỏng" nhưng không ngẫu nhiên nhận tên gọi là "cuộc chiến thương mại". Theo một số hoạt động, cả hai nước có vẻ đã đến gần một cuộc chiến "như thật". Chẳng hạn, vào tháng Chín trên Biển Đông, hai tàu chiến của Trung Quốc và Mỹ đã tiến sát nhau đến mức có nguy cơ va đụng. Mà quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung không thể không gây lo ngại cho các nước thứ ba. Nói như Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, "cuộc đụng độ của quân đội Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ là thảm hoạ với toàn thế giới".
Các bên đã thảo luận hàng loạt vấn đề, từ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cho đến các trại cải huấn dành cho người Uigur ly khai, thiết lập trên lãnh thổ CHND Trung Hoa. Hơn nữa, những vấn đề như vậy của chương trình nghị sự rõ ràng do Washington ấn định. Phái đoàn Trung Quốc đã đi theo tuyến mà Chủ tịch Tập Cận Bình công bố trước đó tại cuộc gặp ông Henry Kissinger ở Bắc Kinh: Trung Quốc sẵn sàng "giải quyết mọi vấn đề phát sinh trong quan hệ song phương trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, cũng như theo tinh thần hiểu biết lẫn nhau".
Còn về tình hình ở Biển Đông, có vẻ như các bên không sửa soạn thay đổi bất cứ điều gì trong lối hành xử của họ tại khu vực. Đại diện Trung Quốc tuyên bố rằng việc sắp xếp các rạn san hô ở biển Nam Trung Hoa và triển khai ở đó các cơ sở quân sự là phục vụ quyền lợi của nhân dân Trung Quốc. Lời lẽ như vậy chỉ có một nghĩa: sẽ mãi mãi là như thế, bởi không một người cộng sản nào phớt lờ ý chí của dân tộc! Còn Bộ trưởng Quốc phòng J. Mattis thì nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động của mình trên khắp vùng biển và vùng trời quốc tế", — tức là Lầu Năm Góc không rút lực lượng vũ trang của mình ra khỏi Biển Đông. Đồng thời, người Mỹ tiếp tục khẳng định họ cần đảm bảo tự do hàng hải của tàu thuyền trong khu vực này. Bắc Kinh cũng nói ủng hộ tự do hàng hải, nhưng chống lại việc tàu Mỹ thâm nhập biển Hoa Nam và máy bay B-52 Mỹ bay qua vùng biển này. Ông Dương Khiết Trì còn bất chấp mọi thể thức lễ nghi mà tuyên bố ở Washington rằng "Hoa Kỳ phải ngừng chuyện phái tàu chiến và máy bay đến các đảo và rạn san hô của Trung Quốc".
Nhìn chung, các nhà quan sát nước ngoài nhận xét rằng sau cuộc đối thoại ở Washington, sự khác biệt về lập trường của các bên Mỹ-Trung vẫn còn đó không biến đi đâu. Liệu Chủ tịch Tập và Tổng thống Trump có xóa bỏ hoặc chí ít là giảm bớt được bất đồng ấy hay chăng, chúng ta sẽ biết sau cuộc gặp của các nhà lãnh đạo này ở Argentina.