Giới thiệu về Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành TƯ tại hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết TƯ 8, ông Phạm Minh Chính cho rằng, việc ban hành trách nhiệm nêu gương trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết.
Theo ông, những năm gần đây Đảng đã có nhiều nghị quyết, quy định về nêu gương. Bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ngăn chặn suy thoái, tham nhũng, tiêu cực…
Cam kết chính trị của TƯ với chính mình và toàn Đảng, toàn dân
Tuy nhiên, nhận thức về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên vẫn chưa đạt được như mong muốn. Đội ngũ cán bộ còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là cấp cơ sở. Nhiều cán bộ, đảng viên năng lực, phẩm chất chưa đạt yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của thực tiễn.
2 năm trở lại đây, UB Kiểm tra các cấp và các cơ quan chức năng đã kỷ luật nhiều tổ chức đảng và hàng nghìn cán bộ, đảng viên đương chức và về hưu. Đã có 59 cán bộ diện TƯ quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 13 ủy viên, nguyên ủy viên TƯ. Đảng đã kỷ luật khai trừ 1 ủy viên Bộ Chính trị.
Trưởng Ban Tổ chức TƯ khẳng định: "Tăng trường trách nhiệm nêu gương của cán bộ cấp cao Đảng, Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng, có sức mạnh lớn về mặt tinh thần, có sức lan toả mạnh mẽ trong cán bộ đảng viên và nhân dân".
Trên cơ sở đó, các tổ chức đảng, tổ chức chính trị xã hội và toàn dân có thể thực hiện kiểm tra, giám sát.
"Việc ban hành Quy định nêu gương là một cam kết chính trị của TƯ với chính mình và toàn đảng, toàn dân", Trưởng Ban Tổ chức TƯ nhấn mạnh.
Tổng bí thư làm Chủ tịch nước là phù hợp
Căn cứ vào các quy định, trên cơ sở rà soát nguồn cán bộ cấp cao, dựa vào các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện, các cơ quan chức năng thực hiện việc này hết sức thận trọng và bài bản, làm đúng các quy định của Đảng và nhà nước.
"Trong quá trình đó, Bộ Chính trị đã chỉ đạo việc xem xét kiện toàn chức danh Chủ tịch nước hết sức chặt chẽ, đúng quy định, tiến hành quy trình theo đúng các bước", Trưởng Ban Tổ chức TƯ khẳng định.
Sau đó tiến hành lấy ý kiến TƯ bằng phiếu kín, có 194/195 uỷ viên TƯ giới thiệu (99,5%). Trên cơ sở phiếu giới thiệu của TƯ, Bộ Chính trị mới thảo luận và biểu quyết thông qua 100% giới thiệu Tổng bí thư.
"Việc phân công, giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước được báo cáo với Ban chấp hành TƯ, tại hội nghị lần thứ 8, 100% đại biểu có mặt tán thành. Tại kỳ họp thứ 6, QH khoá 14 đã tiến hành đúng thủ tục, Tổng bí thư đã được bầu làm Chủ tịch nước theo đúng Hiến pháp, pháp luật với 476/477 phiếu", Trưởng Ban Tổ chức TƯ nói.
Cũng theo ông Chính, việc bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước đã được tiến hành thủ tục, trình tự, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, khách quan, dân chủ, hết sức chặt chẽ.
Trưởng Ban Tổ chức TƯ dẫn lại lịch sử, người đứng đầu Đảng đồng thời đảm nhận chức danh người đứng đầu Nhà nước có 2 giai đoạn. Từ 1951 sau Đại hội lần 2 của Đảng bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng đồng thời đảm nhận chức danh Chủ tịch nước đến 1969 (18 năm).
Giai đoạn thứ 2 là tháng 7/1986, Tổng bí thư Lê Duẩn từ trần, tại hội nghị đặc biệt Ban chấp hành TƯ Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh được bầu làm Tổng bí thư và giữ cương vị này đến 12/1986 (5 tháng).
"Như vậy trong lịch sử của Đảng, người giữ 2 chức danh đứng đầu Đảng và Nhà nước đã có. Tương tự, ở một số nước có thể chế như Việt Nam cũng có: Trung Quốc, Lào, Cuba", ông Phạm Minh Chính nêu.