Thực tế, cả Việt Nam và Thái Lan được nhắc đến trong cuộc "tránh bão" của các tập đoàn sản xuất lớn này.
Trước đó, tháng 11, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ — Trung leo thang, có dấu hiệu một số nhà sản xuất tại Trung Quốc thông tin có thể chuyển nhà máy sang nước Đông Nam Á. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cũng tiết lộ, chính quyền thành phố Hà Nội đang vận động đưa dây chuyền sản xuất iPhone về nước.
Tuy thương hiệu của Mỹ, nhưng hiện chiếc điện thoại thông minh iPhone các đời mới đa số được gia công lắp ráp tại các nnhà máy lớn của Foxconn (Đài Loan), Pegaton đặt tại Thượng Hải và Thâm Quyến (Trung Quốc). Từ năm 2007, Foxconn đã đầu tư xây dựng nhà xưởng tại Bắc Ninh và 2 cái tại Bắc Giang để sản xuất tai nghe, dây cáp… Doanh nghiệp này cũng từng sản xuất chiếc điện thoại di động Nokia khi hãng điện thoại này vào Việt Nam trước đây.
Trước đó nữa, tháng 11, tờ Nikkei (Nhật) cũng đưa tin, công ty chuyên lắp ráp tai nghe AirPods của Apple tại Trung Quốc là GoerTek đã thông báo cho các nhà cung cấp linh kiện của họ có thể được gửi trực tiếp vào thị trường Việt Nam hay không. Thông tin này dẫn đến đồn đoán GoerTek đang dự định sẽ chuyển bộ phận sản xuất tai nghe không dây sang Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin nói trên đến nay chưa có xác nhận hay thông tin cập nhật nào từ phía Apple cũng như nhà cung cấp.
Việc các ông lớn ngành điện tử "né" Trung Quốc lúc này là điều dễ hiểu bởi thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ tăng cao. Trước thông tin iPhone có thể chuyển nhà máy vào Việt Nam, chuyên gia kinh tế, GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, ông chưa nghe thông tin rõ ràng về điều này. Ông nói:
"Đây là tin quá tốt cho ngành công nghiệp Việt Nam nói chung, không riêng gì ngành công nghiệp điện tử. Tuy nhiên, thông tin vẫn chỉ mang tính "đánh tiếng" của nhà sản xuất trên các kênh truyền thông nước ngoài. Thực tế, tôi chưa nhận được thông tin này một cách rõ ràng hơn". Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cũng lưu ý về thời hạn 90 ngày mà Tổng thống Mỹ mới gia hạn cho Trung Quốc để tiếp tục đàm phán các vấn đề về chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và thương mại nông sản. Nếu những đám phán sắp tới thành công, làn sóng di dời nhà máy khỏi Trung Quốc có thể chững lại. Bởi lúc đó, 200 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ mức 10% như ban đầu chứ không tăng lên 25% như kế hoạch trước đây.