Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, sắp tới sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.
Công tác cán bộ không phải chuyện dễ hay khó
Đây không phải là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư. Ở khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương đã từng thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm với những vị trí này.
Qua theo dõi kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở khóa XI, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương), cho biết, nhìn chung, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư ở khóa XI cho kết quả khá tốt, phản ánh khách quan, chính xác. Các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là Tổng Bí thư, được tín nhiệm khá cao. Bên cạnh đó cũng có một số vị trí chưa thật cao.
"Qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm trước, có thể thấy rằng, đó là việc làm cần thiết. Kết quả cơ bản phản ánh đúng, đồng chí nào cao, đồng chí nào thấp hơn. Từ đó cũng cho thấy Trung ương đã đánh giá cán bộ khá chính xác, phản ánh tương đối khách quan, đương nhiên không có gì tuyệt đối", ông Hà nói.
Cũng theo vị cựu cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương, quy định về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các chức danh được Quốc hội bầu, phê chuẩn đã được Bộ Chính trị ban hành. Theo quy định của Bộ Chính trị, việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện 2 lần trong 5 năm, một lần vào giữa nhiệm kỳ và một lần vào cuối nhiệm kỳ.
Ông Hà cũng cho biết, sau kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở khóa XI, có ý kiến cho rằng chỉ nên để 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm, nhưng hiện Bộ Chính trị vẫn quy định lấy theo 3 mức, theo đúng tinh thần bước đầu của việc lấy tín nhiệm chính là để giúp cho cán bộ tự điều chỉnh, tự phấn đấu, rèn luyện.
"Chúng ta phải thấy rằng, để có được cán bộ ở vị trí như thế, Đảng ta phải trải qua một quá trình rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng và qua rất nhiều quy trình để xem xét, đánh giá. Vậy mà mới bổ nhiệm người ta được 2 năm đã "đổ đi" thì không được, phải thấy tính chất, ý nghĩa của vấn đề chứ không phải lấy phiếu tín nhiệm rồi là bỏ. Thậm chí kỷ luật cán bộ nhưng vẫn còn mở đường để người ta sửa chữa, khắc phục, vươn lên. Kỷ luật là để giáo dục, cảnh báo, răn đe, tạo điều kiện giúp cán bộ vươn lên. Phải hiểu như thế mới đầy đủ. Ý kiến cho rằng lấy 2 mức cho dễ, nhưng công tác cán bộ không phải là chuyện dễ hay khó", ông Hà nêu rõ thêm.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Đức Hà, việc xem xét cán bộ chiến lược kỳ này sẽ phải rút kinh nghiệm rất nhiều, phải đưa ra những tiêu chuẩn rõ ràng, quy trình chặt chẽ hơn. Đây cũng là lý do mà lần này Đảng đã nhấn mạnh bằng cụm từ "kiên quyết" không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, quan điểm lệch lạc, những kẻ cơ hội chính trị. "Một từ ngắn gọn vậy nhưng không hề dễ dàng", ông Hà chia sẻ thêm.
"Người khác nhìn mình khách quan hơn"
Nói về việc lấy phiếu tín nhiệm sắp tới đối với các Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nêu rõ, lấy phiếu tín nhiệm không phải cốt để truy trách nhiệm hay thay đổi cán bộ ngay, mà ở đây có tính chất răn đe, ngăn ngừa, giáo dục, cảnh tỉnh là chính. Đương nhiên, nếu ai thấp dưới 50% thì phải xử lý vì đã có quy định.
Qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, điều cốt lõi nhất là thấy sai thì phải sửa, có khuyết điểm thì phải rút kinh nghiệm. Cũng giống như cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, "xử lý một vài người để cứu muôn người", cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đức Hà, có thể xem kết quả lấy phiếu tín nhiệm là nguồn thông tin để giúp cho cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ đánh giá cán bộ chính xác hơn, chân thực hơn. Quan trọng hơn nữa là để các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội kiểm nghiệm, nhìn nhận lại mình.
"Nếu mình nhìn nhận lại chính mình sợ rằng chưa chính xác, có khi lại thấy ưu điểm nhiều hơn khuyết điểm. Nên ngoài việc tự kiểm điểm, tự liên hệ, tự đánh giá bản thân thì cần phải có sự đánh giá của tập thể để người khác nhìn mình, như vậy khách quan hơn", ông Hà nêu quan điểm.
Từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm, ngoài việc liên hệ, kiểm điểm, đánh giá bản thân, căn cứ vào ý kiến góp ý, vào phiếu lấy tín nhiệm của tập thể, mỗi cán bộ có thể nhìn nhận lại bản thân mình đầy đủ hơn. Nhiều người bỏ phiếu mình tín nhiệm thấp thì phải tự vấn lại mình xem còn những mặt yếu gì để tới đây sửa chữa, khắc phục và vươn lên. Kết quả đó cũng là một kênh tham khảo, giúp cho cấp quản lý đánh giá cán bộ chính xác hơn, hạn chế được những nhìn nhận cảm tính.
Thực tế, có nhiều kênh thông tin về cán bộ để tham khảo. Kênh do bản thân cán bộ tự kiểm điểm, cấp ủy cấp trên nhận xét, đánh giá, rồi dư luận xã hội, nhân dân tham gia góp ý kiến…
Cũng là kênh thông tin để tham khảo, nhưng chắc chắn, kết quả tín nhiệm do các Ủy viên Trung ương "chấm" là kênh thông tin quan trọng, có giá trị và độ tin cậy cao. "Chưa kể, là Ủy viên Trung ương, suy nghĩ, quan điểm của anh phải khác với người dân thường. Do vậy, đồng chí nào được phiếu tín nhiệm cao thì ít nhất đấy cũng là sự động viên, là phần thưởng đối với họ. Đồng chí nào chưa thật xuất sắc, phiếu tín nhiệm chưa được cao thì đây cũng là cơ hội, điều kiện phải suy ngẫm lại để sửa chữa", ông Hà nhận định.
Qua 3 lần Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do cơ quan này bầu và phê chuẩn, kết quả cho thấy có những người ở đợt trước tín nhiệm không cao, nhưng sau đó chắc hẳn đã phải suy nghĩ, day dứt, quyết tâm cố gắng khắc phục khuyết điểm, làm tròn nhiệm vụ. Kết quả ở lần lấy phiếu sau mức độ tín nhiệm đối với họ đã có sự chuyển biến hơn lên. "Đấy chính là mục đích quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm", ông Hà nhấn mạnh.