Khi làm dân mà thiếu nhân cách thì chỉ ảnh hưởng tới rất ít người. Ghê gớm lắm, kẻ thiếu nhân tính — nhân cách, đi làm cướp bạo gan lắm chỉ làm hại ít người, còn thiếu nhân cách — nhân tính mà ra làm quan — nô bộc của nhân dân thì hại muôn người.
Nhân tính — Nhân cách do đâu mà có. Trước hết, nó hình thành mầm mống trog gia đình, do cha mẹ biết dạy dỗ con cái: "Sống thế nào cho nên người", sau đó là ở sự học tập, do thầy cô giáo dục, dạy ta muốn Làm Người phải ứng xử ra sao? Một điều nữa quan trọng là từ sách vở, từng tấm gương ở những cuốn sách hay, hay sự ngợi ca dạy người đọc: Tư Cách Làm Người.
Người có Nhân Cách thấy việc xấu không làm, cấp trên bảo làm việc xấu, không hợp đạo dân đạo trời không làm, thậm chí sẵn sàng từ quan, từ bỏ danh vọng, quyền lợi về với dân, như bao sĩ phu trong sử sách đã ghi. Người có Nhân cách là người phải biết vì cái chung, quyền lợi của nhiều người.
Năm thực tập đánh cứ điểm, thí điểm hợp đồng quân — binh chủng, tôi là trung đội trưởng mũi nhọn đi đầu áp sát Chư Nghé. Gọi là áp sát, nhưng trận địa phòng không còn cách cứ điểm địch khoảng hai km.
Đại đội trưởng anh Khai tin cậy tôi dặn dò: Phải động viên anh em, đánh địch. Lại dặn, cấp trên bảo phải kéo pháo bằng tay khi xe pháo cách trận địa 500m.
Bỗng tay đại đội phó hiện ra quát tôi:
— Đồng chí Thọ xuống xe cho kéo pháo bằng tay.
Tôi rời xe xuống giải thích, nếu kéo bằng tay phải đẵn hết cây thấp hơn gầm xe và pháo, thì sức người mới kéo được. Làm như thế, sớm ra địch sẽ phát hiện trận địa ngay và từ xa bắn pháo, anh em sẽ chết hết, bởi không thể thay cây ngụy trang quãng đường 500m. Nếu ép cây xuống rồi dựng lên rừng vẫn xanh như cũ. Trung đội tôi làm thế này ở cự li này, địch không thể nào nghe tiếng xe và như thế sẽ bảo đảm bí mật bất ngờ hơn.
Người đại đội phó kia quát lớn, đây là lệnh của tôi, xuống xe kéo pháo bằng tay!
Sớm đó trung đội tôi vào vị trí ẩn giữa rừng cây xanh um và tất nhiên tôi bảo vệ được gần 40 sinh mạng không để địch phát hiện mà choảng phi pháo hay ném bom.
Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch, Tổng tư lệnh tối cao của chúng ta cũng suốt đời là tấm gương từ ăn ở, sinh hoạt hết sức giản dị, tới làm việc lớn của đất nước đều chứng tỏ một nhân cách lớn không một xu tích cóp cho cá nhân hay gia đình mình, suốt đời nghĩ tới dân, vì sức dân và không mệt mỏi giáo dưỡng cán bộ.
"Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt". Người cũng coi "Vì ai mà làm? Đối với ai phụ trách?" Bởi thực tiễn Người cũng nhận thức rất rõ vai trò của cán bộ: "Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém". Cho nên Người đòi hỏi Nhân cách của cán bộ đảng viên: "Đảng viên và cán bộ phải có "đạo đức cách mạng" là Nhân, Nghĩa, Chí, Dũng, Liêm." Đó là những điểm rõ nhất buộc "quan — cán bộ" phải tu dưỡng để cầm quyền có Nhân cách.
Quan lại — cán bộ ngày nay rất nhiều kẻ thiếu nhân cách mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang đôn đốc bỏ vào "lò". Thời nay, có nhiều kẻ biết rõ sai mà cứ làm vì sợ cấp trên, lo cái ghế của mình hơn cái lợi chung của nhân quần, của dân tộc. Những "con lươn con trạch" này tận dụng mọi cơ hội để leo cao, luồn sâu vào bộ máy Đảng, Nhà nước, chờ đợi cơ hội để phá phách, đục khoét, vinh thân phì gia. Đau lòng nhất là cán bộ càng cấp cao càng sai phạm lớn, hàng ngàn ngàn tỉ thất thoát, nhiều kẻ giầu lên bất chính, chính là sự tha hóa về nhân cách, buộc phải xử lí kiên quyết.