Khẳng định vai trò của Đảng về công tác cán bộ
Theo Báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, tháng 11/2018, ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã nỗ lực phấn đấu, chủ động, tích cực tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm được giao. Cụ thể, ngành tiếp tục tham mưu cấp ủy các cấp cụ thể hóa, thực hiện có kết quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; tham mưu cấp ủy tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện có kết quả các nghị quyết, kế hoạch Hội nghị Trung ương 6, 7 (khóa XII) về sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Ngành cũng tiếp tục tham mưu cấp ủy chỉ đạo quyết liệt thực hiện giảm đầu mối bên trong, giảm tổ chức trung gian, đẩy mạnh phân cấp, giảm cấp phó và thí điểm hợp nhất một số cơ quan, đơn vị thuộc cấp huyện, cấp tỉnh…
Toàn ngành đã hướng dẫn và đôn đốc việc thực hiện công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; triển khai việc thành lập các tiểu ban chuẩn bị tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ban Tổ chức Trung ương đã cụ thể hóa Kế hoạch số 10-KH/TW của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7 (khóa XII) gắn với việc tích cực, khẩn trương chuẩn bị công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp với 22 nhóm giải pháp nhiệm vụ.
Kết quả đạt được trong tháng 11/2018 tương đối toàn diện về mọi mặt, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thực hiện công tác cán bộ một cách dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy định. Kết quả này đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Từng có 4 nhiệm kỳ là Ủy viên Trung ương (T.Ư), ông Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch — Tổng thư ký Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: Đã có nhiều bài học nhãn tiền về công tác cán bộ. Trong đó, có những người không dự kiến vào T.Ư, thậm chí cấp cao hơn nhưng rồi lại vào được. Cho nên đến bây giờ T.Ư vẫn phải tiếp tục giải quyết. Do đó, đã nêu gương thì những người trong vị trí cấp chiến lược hiện nay trước hết phải thực sự nêu gương trong việc giới thiệu nhân sự.
Ông Vũ Trọng Kim nói: Để xây dựng BCH T.Ư khóa XIII, Đảng đã đưa ra quy trình 5 bước. 5 bước này nếu thực hiện đầy đủ, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, nghiêm túc thì sẽ đưa ra sản phẩm tốt, đạt yêu cầu. Tinh thần là làm sao không bỏ sót người tài, người có khả năng cống hiến cho đảng, cho nhân dân. Nhưng bên cạnh đó cũng không để lọt những đối tượng thiếu bản lĩnh chính trị, thậm chí mắc phải tiêu cực, tham nhũng, đặc biệt là thoái hóa, biến chất "chui" vào T.Ư. Hai vấn đề này là rất quan trọng, cấp thiết và mang ý nghĩa quyết định đến đường lối, chủ trương, chính sách và cả sự phát triển của Đảng, của dân tộc trong nhiệm kỳ tới.
Tránh "đúng quy trình nhưng không đúng người"
Nhưng câu hỏi đặt ra ai là người không xứng đáng và ai là người đáp ứng được các tiêu chuẩn đó để chọn lựa?
Nói là người có bản lĩnh đạo đức, năng lực thì đôi khi vẫn cứ là chung chung. Người tham gia vào BCH T.Ư phải là người có tố chất riêng, có năng lực lãnh đạo, năng lực quản lý và phải có khát vọng, hoài bão đổi mới. Đó phải là những con người luôn vì nước vì dân, có tinh thần xả thân, cống hiến, sẵn sàng quên mình để toàn tâm toàn ý cống hiến cho đất nước. Những nhân sự đó phải vượt lên chính mình, nhìn ra là thấy dân tộc, thấy xã hội, chứ không phải nhìn ra chỉ thấy bản thân, gia đình, lợi ích cục bộ, "lợi ích nhóm". Cái hoài bão, khát khao, đổi mới của cán bộ cấp chiến lược phải là ở điểm đó.
Tiêu chuẩn, tiêu chí thì quy định của Đảng đã đầy đủ và rất chặt chẽ, nhưng làm sao tránh được tình trạng "đúng quy trình nhưng không đúng người"?
Như tôi đã nói ở trên, nếu thực hiện quy trình 5 bước một cách thận trọng, dân chủ, không có nể nang thì sẽ có kết quả theo mong muốn. Tại cuộc họp mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nêu ra yêu cầu về công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là thận trọng, chặt chẽ, tập trung, dân chủ, công tâm, khách quan và tuyệt đối không được thiên vị.
Nêu gương trong giới thiệu nhân sự
Vậy theo ông cần lưu ý gì trong lựa chọn, giới thiệu nhân sự quy hoạch BCH T.Ư lần này?
Có hai điểm mà tôi cho là quan trọng nhất là dân chủ trong quá trình lựa chọn và công tâm, khách quan. Từ kinh nghiệm qua tham gia 4 khóa T.Ư tôi cho rằng hai vấn đề trên là quan trọng nhất.
Cái thứ hai cần lưu ý là có cách nào để nhân dân tham gia không? Nhân dân ở đây là thông qua những người đại diện, từ các tổ chức chính trị, xã hội không? Những người đại diện của nhân dân, thông qua tổ chức họ có thể tham gia một góc độ nào đó vào công tác nhân sự. Tôi nghĩ ít nhiều những tiếng nói đó sẽ thể hiện sự trung thực. Bởi họ không có quyền lợi, không gắn bó với đồng lương, lợi ích, đây là tiếng nói đầy đủ, trung thực, trong sáng. Vậy dân chủ đó cũng nên mở ra ở một mức độ nhất định. Dân chủ bên trong, dân chủ bên ngoài… Có thế mới không để sót những người tài và để lọt những người không xứng đáng tạo ê kíp, bè phái.
Từng có 4 nhiệm kỳ là Ủy viên T.Ư, ông có lo ngại tình trạng chạy chức, chạy quyền tác động đến những lá phiếu quy hoạch nhân sự không?
Bên cạnh đó, từng bước quy trình phải có cách làm để thể hiện sự không thiên vị. Cái này chúng ta đã từng có những bài học nhãn tiền. Có những người không dự kiến vào T.Ư nhưng rồi lại vào được. Cho nên bây giờ vẫn còn tồn tại mà chúng ta phải tiếp tục giải quyết trong bộ máy cấp chiến lược hiện nay. Nếu như hiện nay không làm tốt thì đừng nói là sẽ có tương lai huy hoàng. Đã nêu gương thì những người trong vị trí cấp chiến lược hiện nay phải thực sự nêu gương trong việc giới thiệu nhân sự.
Còn những người ở trong quy trình đề bạt thì sao? Thì việc chống chạy chức, chạy quy hoạch là rất quan trọng. Phải chỉ ra được ai là chạy chức, ai là chạy quy hoạch. Những phần tử cơ hội là ai mà lại leo cao, chui sâu. Toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân phải tham gia vào quá trình này.
Xin cảm ơn ông!