Mỹ "tung chưởng" nhằm vào Trung Quốc?
Ngày 19/9/2017, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lần đầu tiên phát biểu trước 193 đại diện các nước của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.
Với 3.500 từ, bài phát biểu này cũng chẳng kém cạnh gì so với bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình; trong đó, đã nhấn mạnh các nguyên tắc đối ngoại của chính quyền Mỹ dưới sự cầm quyền của ông từ sau khi nhậm chức và trong tương lai.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump không hề nhắc tới biến đổi khí hậu, vấn đề được coi là một trong những mối đe dọa tới Trái Đất tại Liên Hợp Quốc.
Xuyên suốt bài phát biểu là những luận điểm hăm dọa từng được ông Trump sử dụng trong lễ nhậm chức hồi tháng 1, cũng như lời kêu gọi củng cố văn minh phương Tây…
Với bài phát biểu đầu tiên trước Liên Hợp Quốc, Tổng thống Donald Trump đã đánh dấu chính sách tương lai của mình, bao gồm việc chỉ ra kẻ thù, thể hiện sự "kinh hãi" với cách đối nội của họ, đồng thời đe dọa hủy diệt đối phương để tự bảo vệ nước Mỹ và các Đồng minh.
Một trong những kẻ thù mà Trump nhằm vào đó chính là Trung Quốc.
Vì vậy, trong "Chiến lược An ninh quốc gia" được Tổng thống Trump công bố tháng 12 năm ngoái, mô tả một thời kỳ mới của "sự cạnh tranh nước lớn".
Các quốc gia nước ngoài đã bắt đầu "tái áp đặt ảnh hưởng của họ ở khu vực và toàn cầu" và họ đang "thách thức lợi thế địa chính trị (của nước Mỹ) và cố gắng thay đổi trật tự quốc tế theo hướng có lợi cho họ".
Trong chiến lược này, Tổng thống Trump đã nêu rõ rằng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã thông qua một chiến lược mới để ngăn chặn chiến lược bành trướng của Trung Quốc mà theo ông ta, các Tổng thống tiền nhiệm đã không có được một chiến lược rõ ràng và hiệu quả.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã bảo vệ lợi ích của Mỹ với sức mạnh Mỹ được phục hồi bằng cách làm cho quân đội hùng mạnh nhất trong lịch sử thế giới sẽ hùng mạnh hơn nữa.
Vì vậy, đấu năm nay, Tổng thống đã ký ban hành đạo luật gia tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất kể từ thời Ronald Reagan — 716 tỷ đô la để mở rộng sự thống trị quân sự của Mỹ trong mọi chiến trường.
Mỹ đang đầu tư vào các lực lượng vũ trang ở mức chưa từng có, bao gồm việc xúc tiến thành lập Lực lượng Không gian Hoa Kỳ để đảm bảo sự thống trị liên tục trong không gian, và cho phép tăng cường năng lực trong thế giới mạng để xây dựng sự răn đe với các đối thủ của Mỹ.
Mỹ sẽ tiếp tục khẳng định lợi ích của Mỹ trên khắp vùng Ấn Độ — Thái Bình Dương.
Về kinh tế, Mỹ phát động cuộc chiến thương mại bằng việc áp đặt thuế quan lên 250 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, với mức thuế cao nhất nhắm vào các ngành công nghiệp tiên tiến mà Bắc Kinh đang cố gắng nắm bắt và kiểm soát.
Ông Donald Trump cũng đe sẽ áp thêm nhiều loại thuế nữa với khả năng tăng hơn gấp đôi con số đó, trừ khi đạt được một thỏa thuận công bằng và có đi có lại.
Hành động của Mỹ đã có tác động lớn. Thị trường chứng khoán lớn nhất Trung Quốc giảm 25% trong 9 tháng đầu năm nay.
Washington tuyên bố, Mỹ sẽ tiếp tục hành động cho đến khi Bắc Kinh chấm dứt hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và chấm dứt hành vi bóc lột là cưỡng bức chuyển giao công nghệ…
Chẳng hạn, Tổng thống Trump đã ký một thỏa thuận thương mại cải tiến với Hàn Quốc và sẽ sớm bắt đầu đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do song phương, lịch sử, với Nhật Bản.
Mỹ cũng đang sắp xếp lại các chương trình tài chính và phát triển quốc tế với mục tiêu mang lại cho các quốc gia nước ngoài một lựa chọn thay thế minh bạch và công bằng để không bị rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc…
Tranh chấp Trung — Mỹ và vấn đề bảo vệ các quyền hợp pháp của các quốc gia xung quanh Biển Đông
Theo giáo sư Graham Allison (tác giả của thuyết "bẫy Thucydides"), Washington cho rằng Bắc Kinh đã thách thức Mỹ nhiều năm nay và đã đến lúc Mỹ phải đáp lại.
Graham Allison cho rằng, đối đầu giữa Trung Quốc (đang trỗi dậy) và Mỹ (đang bá chủ) có thể dẫn đến chiến tranh mà cả hai bên đều không muốn;
Cả hai đều biết đối đầu có thể gây ra thảm họa còn lớn hơn cả những cuộc chiến tranh thế giới đã từng xảy ra trong lịch sử đau buồn của nhân loại.
Hàng triệu sinh mạng đã bị giết chết, lãnh thổ thuộc chủ quyền của nhiều quốc gia bị xâm chiếm…
Trong bối cảnh hiện nay động cơ của Washington chủ yếu là để ngăn cản sự trỗi dậy mạnh mẽ bằng mọi giá của Trung Quốc trong cuộc tranh giành vị trí siêu cường khu vực và quốc tế mà Mỹ đã chiếm giữ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Vì thế, diễn biến tranh chấp trong thực tế giữa Mỹ và Trung Quốc hiện tại chủ yếu là những thế võ vờn nhau, chứ chưa hẳn là những miếng đòn "tỉ thí" trên võ đài.
Đúng như nhận xét của Joseph Nye (tác giả "quyền lực mềm") cho rằng:
Tuy Mỹ —Trung chuyển sang một giai đoan mới, nhưng nếu coi đó là chiến tranh lạnh thì "sai lạc" (misleading) mà nên coi quan hệ Mỹ — Trung hiện nay là "đối kháng trong hợp tác" (cooperative rivalry).
Bởi vì, nó xuất phát từ sự tính toán khả năng được — mất khi triển khai chiến lược của họ trong cuộc cạnh tranh địa — chính trị, địa — chiến lược, địa — kinh tế… tại khu vực châu Á — Thái Bình Dương, nhất là khu vực Biển Đông.
Trong quá khứ, dư luận đã từng chứng kiến những thua thiệt, mất mát xuất phát từ quan hệ Mỹ — Trung trải qua 4 giai đoạn:
Giai đoạn xung đột bắt đầu từ Chiến tranh Triều Tiên (1950-53); Giai đoạn hợp tác hạn chế chống Liên Xô bắt đầu từ khi Nixon thăm Trung Quốc (1972);
Giai đoạn hợp tác kinh tế bắt đầu từ sau Chiến tranh Lạnh (1990); Giai đoạn hiên nay bắt đầu từ cuối 2017 khi Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ (NSS) xác định đối đầu nước lớn (great power rivalry) với Trung Quốc và Nga là hai đối thủ chính.
Điển hình là cuộc xâm lược của lực lượng vũ trang Trung Quốc đối với nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa năm 1974, lúc đó đang ở dưới sự quản lý hợp pháp của chính quyền Sài Gòn, một đồng minh được Mỹ hà hơi tiếp sức, nuôi dưỡng kể từ sau năm 1954.
Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hoàn toàn bị rơi vào tay Trung Quốc là hậu quả của một thỏa thuận ngầm, một cuộc "mua bán đổi chác" giữa Mỹ và Trung Quốc trong giai đoạn "hợp tác hạn chế chống Liên Xô" bắt đầu từ khi Tổng thống Nixon thăm Trung Quốc năm 1972.
Bài học đáng ghi nhớ nữa là sự kiện Trung Quốc tiến hành chiếm đoạt bãi cạn Scarborough năm 2012, khi đó do Philippines kiểm soát khiến tình hình Biển Đông hết sức căng thẳng, đụng độ giữa lực lượng tàu chiến 2 bên có thể xẩy ra.
Vì thế, đến ngày 20/6/2012, Philippines đã rút các tàu của họ về cảng, trong khi đó, ngày 26/6/2012, ít nhất 28 tàu Trung Quốc các loại hiện diện xung quanh đầm phá của bãi Scarborough, trái ngược với những bản tin trước đó (của Mỹ) rằng Bắc Kinh đã rút toàn bộ tàu.
Sau khi các tàu Philippines về cảng, Trung Quốc xây dựng một rào chắn tại lối vào nhỏ hẹp của bãi cạn. Các tàu chấp pháp của Trung Quốc canh gác để ngăn tàu Philippines quay lại.
Sau đó, Philippines mất quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough cùng các tài nguyên xung quanh. Đội tàu Trung Quốc liên tục hiện diện tại khu vực từ thời điểm ấy…
Phải chăng, sự kiện này vì thế đã có thúc đẩy chính sách "xoay trục" trong quan hệ với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Duterte trong thời gian qua?
Lập trường và những ứng xử của Mỹ trong thời điểm hiện nay cũng có thể được coi là đã có tác động tích cực nào đó trong việc ngăn chặn, chí ít là có thể hạn chế khả năng xung đột có thể xẩy ra trong Biển Đông.
Phải chăng vì thế mà sau 1-2 năm "xoay trục" sang Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang âm thầm "sửa chữa mối quan hệ" với Mỹ vì lo ngại sự bành trướng của Bắc Kinh?
Trong một bài bình luận đăng tải ngày 16/10, hãng tin Nikkei (Nhật Bản) cho biết Washington và Manila đang "dẹp những bất đồng trong quá khứ sang một bên" khi phải đối mặt với mối đe dọa chung — đó là Trung Quốc.
Cam kết mới nhất của Washington về việc khôi phục sự hiện diện của hải quân Mỹ tại Biển Đông, chống lại sự hiện diện quân sự của Bắc Kinh giống như một tín hiệu trấn an Manila.
Bởi vì nếu hai bên xảy ra đụng độ quân sự nghiêm trọng, cấu trúc an ninh ở Đông Á có thể bị phá hỏng và gây nguy hiểm cho khu vực.
Các rủi ro trở nên rõ nét khi tàu hải quân Mỹ và Trung Quốc chạm chán ở biển Đông hồi tháng 9.
Tuy nhiên, chúng tôi mong rằng nước Mỹ cần phải quan tâm và phát huy vai trò của mình trước vận mệnh của nhân loại đang bị đe dọa bởi những tham vọng bá quyền;
Cộng đồng quốc tế đang bị đe dọa bởi những tính toán trục lợi bằng máu xương đồng loại của những tập đoàn lái buôn vũ khí giết người, bởi những hệ lụy do biến đổi khí hậu đang đe dọa đến sự tồn tại của trái đất, ngôi nhà chung của nhân loại…
"Hy vọng của chúng ta là một từ, và thế giới của các quốc gia đáng tự hào, độc lập, nắm bắt trách nhiệm của họ, tìm kiếm tình hữu nghị, tôn trọng nước khác và giải quyết vấn đề chung trong lợi ích chung lớn lao nhất: một tương lai của nhân phẩm và hòa bình cho người dân trên trái đất tuyệt vời này"…
Chúng ta mong rằng lời phát biểu "bay bướm" nói trên của ông Donal Trump ngày 19/9/2017 trước 193 đại diện các nước của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ trở thành hiện thực.
Có như vậy mới có thể xóa dần những hoài nghi, mặc cảm về vai trò, trách nhiệm của nước Mỹ trước vệnh mệnh của nhân loại vốn khao khát được sống trong một thế giới hòa bình, thịnh vượng, hợp tác, cùng phát triển…