Tờ Hong Kong News cho biết Samsung Electronics sẽ đóng cửa nhà máy tại Thiên Tân, Trung Quốc vào cuối năm 2018. Nhà máy này đang có 2.800 nhân viên với số sản lượng điện thoại thông minh vượt 36 triệu chiếc/năm. Nếu điều này thực sự diễn ra, tại Trung Quốc chỉ còn một nhà máy ở Huệ Châu, công suất gấp đôi nhà máy bị đóng cửa với 72 triệu điện thoại/năm.
Samsung cũng chưa công bố thêm thông tin gì liên quan đến giai đoạn sau của việc đóng cửa nhà máy từng đem lại 13,3 tỷ USD/năm thời hoàng kim trước khi trở nên sa sút như hiện nay. Trong lúc chờ Samsung đưa ra kết luận, nhiều giả định đã được đặt ra về sự chuyển dịch nhà máy sang một nước thứ 3 với hai cái tên được đặt lên bàn cân: Ấn Độ và Việt Nam với nhiều lợi thế cạnh tranh.
Đối với Ấn Độ, nước này được đánh giá là một thị trường smartphone có quy mô lớn. Năm 2017, Ấn Độ đã vượt qua Mỹ, trở thành thị trường tiêu thụ điện thoại di động thông minh lớn thứ 2 trên thế giới, sau Trung Quốc. Dự kiến năm 2021, 780 triệu smartphone sẽ được sử dụng ở nước này, tăng hơn 2 lần so với năm 2016.
Samsung Electronics, hồi tháng 7/2018 đã khai trương nhà máy sản xuất điện thoại di động được coi là lớn nhất thế giới tại Noida, Ấn Độ, sau gần 1 năm công bố khoản đầu tư hơn 700 triệu USD để mở rộng sản xuất (trong khi nguồn tin từ Samsung phủ nhận đây là nhà máy lớn nhất thế giới mà vẫn là Thái Nguyên, Việt Nam). Đây cũng là giai đoạn người dùng smartphone tại Ấn tăng nhanh, có thể đạt mức 340 triệu vào cuối năm 2018. Công suất nhà máy này có thể lên đến 120 triệu chiếc/năm. Samsung còn có một nhà máy khác, tại Sriperumbudur.
Tờ Reuters phân tích việc đặt nhà máy tại Ấn Độ giúp Samsung sản xuất điện thoại chi phí thấp hơn với quy mô lớn, trong bối cảnh các địa điểm sản xuất khác tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam đang dần trở nên đắt hơn.
Apple hay Xiaomi trước đó cũng đã chuyển dây chuyền sản xuất qua Ấn Độ, để tránh bị đội giá và làm mất đi cơ hội tại đất nước tỷ dân. Bên cạnh đó, việc mở rộng tại Ấn Độ cũng giúp cho Samsung tăng lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc.
Đất nước bên kia cán cân, là Việt Nam. Nếu tính đến quy mô thị trường, đất nước gần 100 triệu dân sẽ khó lòng so sánh được với nền kinh tế 1,3 tỷ dân nhưng Việt Nam có sức hấp dẫn riêng biệt.
Cho đến nay, tổng số vốn Samsung đầu tư tại Việt Nam đã lên đến 17 tỷ USD với những nhà máy tạo ra gần 1/3 lượng sản phẩm mà tập đoàn Hàn Quốc xuất khẩu trên toàn thế giới.
The Economist cũng nhận định Việt Nam cũng là một hàng rào có giá trị, giúp tránh được rủi ro thương mại từ Trung Quốc. Nền kinh tế gần 100 triệu dân cũng có sự đón chào hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại. Sự nhiệt tình với các hiệp định thương mại tự do cũng đang khiến đất nước trở nên đặc biệt hơn trong mắt các nhà đầu tư.
"Samsung đã đầu tư ở nhiều quốc gia, nhưng không có nhiều quốc gia lắng nghe, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp mạnh mẽ như Việt Nam", Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae Yong bày tỏ sự cảm ơn với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam hồi cuối tháng 10 năm nay. Ông Lee cũng khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng và đầu tư dài hạn tại đất nước hình chữ S.
Tuy nhiên, dù nhà máy tiếp theo của Samsung được đặt tại đâu, Việt Nam vẫn đang và sẽ phải giải quyết bằng được những vấn đề căn nguyên của mình, là tham gia sâu vào chuỗi giá trị khổng lồ của Tập đoàn này. Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đây mới là vấn đề quan trọng hơn.
Hiện nay Việt Nam có tổng cộng 29 công ty trong nước là nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung, so với con số 4 công ty của năm 2014. Đến năm 2020, số lượng này dự kiến tăng thành 50. Tờ Nikkei nhận định các công ty sau khi tận dụng sức mạnh công nghệ mà Samsung chuyển giao có thể vươn ra các ngành công nghiệp khác và hình thành một chuỗi cung ứng địa phương.