Trong một thời gian ngắn (Quý IV/2018), Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet đã có 7 sự cố khai thác tàu bay, trong đó có 5 sự cố do hỏng hóc kỹ thuật tàu bay và 2 sự cố do yếu tố chủ quan của nhân viên hàng không.
Đặc biệt, trong tháng 12/2018 xảy ra 2 sự cố nghiêm trọng đối với các chuyến bay của Vietjet Air, bao gồm: Chuyến bay VJ356 ngày 29/11 trong quá trình tiếp đất hạ cánh xuống Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, hai bánh càng mũi bị rơi ra khỏi tàu bay.
Chuyến bay VJ689 ngày 25/12 đã hạ cánh xuống đường cất hạ cánh chưa đưa vào khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh sau khi phải quay lại hạ cánh do gặp hỏng hóc kỹ thuật.
Sau những sự cố liên tiếp nói trên, Bộ GTVT đã nghiêm khắc cảnh cáo Vietjet, đồng thời Cục Hàng không Việt Nam cũng đã đưa Vietjet vào diện giám sát đặc biệt, đặc biệt là ở các cảng hàng không, sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh.
Trao đổi với Đất Việt, Đại tá Phan Tương, nguyên Giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất nhận định, những sự cố hàng không xảy ra thời gian qua của máy bay Vietjet, phần nhiều do lỗi chủ quan của phi công.
"Vietjet Air là hãng máy bay tư nhân giá rẻ, thậm chí họ có những chặng bay giá 0 đồng. Tại sao họ làm được chuyện đó? Là vì khi thành lập, Vietjet chưa có phi công, kỹ thuật trong tay, họ bỏ ra tiền ra mua, thuê với giá cao. Vậy nên trước đây mới có nhiều trường hợp phi công Vietnam Airlines nghỉ việc, sang Vietjet Air làm. Với việc thuê như vậy, Vietjet Air không mất chi phí đào tạo phi công vốn rất tốn kém", Đại tá Phan Tương nhận xét.
Trong khi đó, TS Trần Đình Bá (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) đánh giá, việc Cục Hàng không Việt Nam đưa Vietjet Air vào diện giám sát đặc biệt là giải pháp tình thế để trấn an dư luận, trong khi vấn đề cốt lõi của nguyên nhân các sự cố hàng không vẫn chưa có giải pháp căn cơ.
Theo ông Bá, những sự cố liên tiếp xảy ra của máy bay Vietjet không phải hệ quả của việc hãng bay này phát triển nóng.
"Vietjet thời gian qua đã thực sự phát triển, chiếm được lòng tin, giúp Bộ GTVT giải quyết được bài toán quá tải trên đường bộ, thị phần vận tải vượt lên trên Vietnam Airlines. Tuy nhiên, cho đến nay, Vietjet Air cùng với các hãng hàng không khác vẫn thực hiện các chuyến bay vòng trong lãnh thổ dù Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác Bầu trời mở rộng từ hơn 10 năm nay. Hiệp định mở rộng bầu tròi ASEAN có hiệu lực từ 2015 song hiện nay tất cả các hãng hàng không vẫn bay vòng trong lãnh thổ mà theo tính toán khoa học, riêng các đường bay nội địa Việt Nam lãng phí bình quân trên 30%. Bởi thế mới có hiện tượng các hãng hàng không phải tận dụng phương tiện quá "date" — tức quá giờ bay, cắt xén quy trình kiểm tra bảo dưỡng vận hành, thuê phi công chất lượng chưa đảm bảo", TS Trần Đình Bá bày tỏ quan điểm.
"Mặc dù các chỉ số của Vietjet cho thấy tốc độ tăng trưởng rất cao nhưng công tác chuẩn bị nguồn lực phục vụ đều được Cục Hàng không Việt Nam kiểm soát chặt chẽ, từ tổ bay, tiếp viên, nhân viên kỹ thuật… đều đảm bảo cơ cấu, chất lượng, số lượng theo yêu cầu", ông Đinh Việt Thắng khẳng định.
Cục Hàng không Việt Nam đã lập 7 đoàn công tác thực hiện kiểm tra giám sát đặc biệt đối với hãng hàng không Vietjet từ 28/12/2018 đến ngày 15/1/2019.
Nếu sau ngày 15/1/2019, nếu Vietjet đáp ứng được toàn bộ yêu cầu, đảm bảo tuyệt đối công tác an toàn, việc kiểm tra sẽ được dỡ bỏ. Trường hợp ngược lại, Cục Hàng không Việt Nam sẽ sẽ chuyển sang giám sát đặc biệt giai đoạn 2.