Chuyển sang thanh toán các giao dịch kinh tế giữa hai nước bằng đồng tiền quốc gia và mở rộng hình thức tương tác tài chính này là một trong những nội dung chính trong tất cả các cuộc đàm phán liên quốc gia Nga-Việt năm 2018, cụ thể là trong cuộc gặp của lãnh đạo cao cấp nhất của hai nước, các ông Vladimir Putin và Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 9 ở Sochi.
Cơ sở tiên phong áp dụng hình thức thanh toán song phương hiệu quả này khoảng một thập niên trước là Ngân hàng Liên doanh Việt-Nga. Sau đó, cả Ngân hàng Đầu tư và Phát triển của Việt Nam (BIDV) cũng tham gia. Ba năm trước, dòng tiền mặt chảy qua ngân hàng giữa hai nước là 100 triệu USD, trong đó gồm cả 5 triệu USD bằng tiền rúp. Còn trong năm 2017, trong tổng số 400 triệu USD chuyển qua BIDV, khối lượng tiền rúp đã tương đương với 100 triệu USD. Sự tăng trưởng là rõ ràng và hợp lý, — ông Hồ Thanh Minh phụ trách văn phòng đại diện của BIDV tại Nga nhận định trong cuộc phỏng vấn của Sputnik Vietnam.
Việc chuyển sang thanh toán hai chiều giữa Việt Nam và Nga bằng hai đồng bản tệ là vấn đề cần thiết và cấp bách, — ông Hồ Thanh Minh nói. So với thanh toán bằng USD, euro hay ngoại tệ khác thì lợi thế ở đây là điều không cần nghi ngờ gì. Thứ nhất, việc chuyển tiền bằng đồng tiền quốc gia của các nước chúng ta mất trung bình 2 giờ, mà đôi khi chỉ 30 phút, không như cần chờ đợi từ 2-7 ngày như khi chuyển bằng USD. Tức là, người nhận có thể lập tức đưa số tiền vừa được chuyển khoản vào quay vòng lưu thông, là điều cực kỳ quan trọng trong các giao dịch thương mại. Thứ hai, cả hai bên Nga và Việt Nam đều tránh được những thiệt hại tiền tệ đáng kể gần như tất yếu khi phải qua cầu đổi rúp hay VND lấy USD rồi mới chuyển và ngược lại.
Ngoài ra, việc chuyển sang dùng rúp và tiền VND để thanh toán cho nhau có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga. Bởi khâu chuyển đổi thành ngoại tệ của nước thứ ba cần được thực hiện thông qua các ngân hàng phương Tây trung gian, mà trong điều kiện trừng phạt, giao dịch có thể bị đóng băng nếu bên nhận rơi vào hiệu lực của chế tài này. Còn khi thanh toán trực tiếp bằng rúp và VND, mối nguy đó bị loại trừ. Chính bởi vậy, hình thức thanh toán bằng bản tệ của mỗi bên đang được ngày càng nhiều công ty của Việt Nam và Nga thực hiện. Nhiều ngân hàng khác của Việt Nam cũng sẵn sàng tham gia xúc tiến chuyển ngân trực tiếp bằng đồng rúp và VND: Vietcombank, Vietinbank, Techcombank và hàng loạt ngân hàng quân sự. Hơn thế nữa, giữa các tổ chức tín dụng-tài chính của Việt Nam và Nga đã thiết lập được quan hệ hợp tác mật thiết và hiệu quả", — ông Hồ Thanh Minh kết luận.