Theo ước tính của các chuyên gia quân sự, sức mạnh hỏa lực của pháo Sprut mới sánh được với xe tăng T-90. Sau đây là bài của Sputnik về các tính năng của pháo tự hành mới.
Trong những năm 1980, lực lượng Đổ bộ Đường không Nga đã thiếu các loại kỹ thuật chiếu đấu để chống lại những chiếc xe bọc thép hạng nặng. Xe chiến đấu bộ binh BMD-1 với pháo 73 mm và xe bọc thép chở quân BTR-RD sử dụng tên lửa chống tăng Fagot đã lỗi thời và chỉ có thể đánh trúng xe tăng chiến đấu chủ lực của NATO (M60A3, M1 Abrams, Challenger hoặc Leopard 2), nhưng không đủ sức tiêu diệt hoàn toàn chúng. Khi thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu cụ thể, lính dù có thể gặp phải xe bọc thép của địch. Trước đây họ không có khả năng đẩy lùi cuộc tấn công của xe tăng địch.
Năm 1983, các nhà thiết kế của Liên Xô bắt đầu phát triển loại pháo chống tăng tự hành đổ bộ đường không Sprut-SD. Cơ sở của pháo mới là khung gầm của một loại xe tăng hạng nhẹ không đi vào sản xuất hàng loạt. Phần thân được làm bằng thép tấm có khả năng chịu được loại đạn xuyên thép 12,7 mm. Trên xe tự hành lắp đặt khẩu pháo 125 mm (tương tự như pháo 2A46M của xe tăng) với bộ nạp tự động. Năm 2005, pháo tự hành có trọng lượng chiếu đấu 18 tấn đã được trang bị cho các lực lượng Nhảy dù Nga VDV.
Sprut có thể bắn được tất cả các loại đạn pháo tăng, kể cả đạn xuyên giáp dưới cỡ, đạn phân mảnh và nổ cao, cũng như tên lửa điều khiển chống tăng. Cơ số đạn 40 viên. Chỗ làm việc của xạ thủ được trang bị cả kính ngắm tiềm vọng ban ngày (với máy đo khoảng cách tích hợp và máy tính đạn đạo) và tổ hợp kính ngắm quang điện tử hoạt động ban đêm. Phạm vi nhận dạng mục tiêu loại xe tăng lên đến 1,5 km. Pháo tự hành có khả năng di chuyển trên mặt nước với tốc độ 10 km / h nhờ hai hệ thống động cơ phản lực. Tốc độ trên mặt đất — 40-50 km / h trên địa hình gồ ghề và lên tới 70 km / h trên đường cao tốc. Sprut có thể được thả dù từ độ cao 400 m đến 1.500 m bằng cách sử dụng hệ thống dù lượn tự do.
Pháo tự hành Sprut-SDM1 đã được giới thiệu lần đầu tiên tại Diễn đàn "Quân đội-2015". Thân và tháp pháo gần như không thay đổi, nhưng có khung gầm được thiết kế trên khung gầm của xe chiến đấu BMD-4M. Chiếc pháo tự hành mới được trang bị động cơ diesel 26,5 lít V10 đa nhiên liệu UTD-29 công suất 500 mã lực.
Trong các nguồn mở chưa có dữ liệu chi tiết về việc hiện đại hóa pháo tự hành. Có thể Sprut-SDM1 đã nhận được hệ thống điều khiển hoả lực mới, có kính ngắm ngày\đêm tích hợp ảnh nhiệt và camera màu, có hệ thống tự động theo dõi mục tiêu (xạ thủ chỉ cần phát hiện mục tiêu, sau đó hệ thống tự động theo dõi nó).
Các pháo tự hành hạnh nhẹ có thể được sử dụng hiệu quả cả trong phòng vệ di động, để bảo vệ lính dù trong các chiến dịch đặc nhiệm, cũng như để "săn lùng" xe tăng địch theo nguyên tắc: "nhảy ra — nhìn ngắm — bắn hạ — bỏ chạy".
Trên thực tế, Sprut-SDM1 là loại xe tăng đổ bộ được trang bị vũ khí của xe tăng chiến đấu chủ lực. Theo các chuyên gia quân sự, ngoài Lực lượng Nhảy dù, pháo tự hành có thể được sử dụng trong các đơn vị thủy quân lục chiến, các đơn vị chống tăng của Bộ binh. Chắc chắn pháo tự hành Sprut hiện đại sẽ được xuất khẩu sang các nước có nhu cầu về những trang thiết bị quân sự đặc biệt. Ví dụ, Việt Nam sẽ có cơ hội thay thế PT-76 lỗi thời bằng pháo tự hành hiện đại.