Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công thương) vừa có thông tin chính thức về chi tiết "doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí ngoài quy định" cho những thủ tục hành chính và kiểm tra liên ngành mà Bộ Công thương quản lý.
Trước đó, báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện các thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu năm 2018 do Tổng cục Hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, Bộ Công thương đứng đầu về tỉ lệ số doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí ngoài quy định.
Báo cáo của VCCI năm 2018 dựa vào kết quả cuộc khảo sát được thực hiện trong thời gian từ tháng 1/2017 tới tháng 5/2018 với 3.061 doanh nghiệp. Trong đó, 56% số doanh nghiệp cho biết họ không chi trả chi phí ngoài quy định, 26% số doanh nghiệp lựa chọn phương án "Không biết", 18% số doanh nghiệp thừa nhận có chi trả chi phí ngoài quy định.
Đại diện Vụ KHCN thừa nhận, báo cáo khảo sát cho thấy vẫn còn tồn tại hiện tượng chi trả chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương.
"Mặc dù chỉ có 108 doanh nghiệp trên tổng số 3.061 doanh nghiệp được hỏi (chiếm 3,5%) cho biết phải trả chi phí ngoài cho các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương nhưng đây vẫn là hiện tượng không thể chấp nhận và Bộ Công thương cần phải đặc biệt lưu ý trong thời gian tới.
Tuy nhiên, việc có tới 40% đại lý làm thủ tục hải quan cho biết phải trả chi phí ngoài quy định sẽ là căn cứ quan trọng để Bộ Công thương xem xét, làm rõ trong thời gian tới bởi các đơn vị của Bộ Công thương không làm việc với các đại lý làm thủ tục hải quan", đại diện Vụ KHCN cho hay.
Vụ KHCN cũng khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tích cực, chủ động triển khai các giải pháp, nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo có liên quan của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, trong giai đoạn 2019-2020, Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ việc rà soát, sửa đổi các văn bản pháp lý về quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực xuất nhập khẩu;
Cắt giảm danh mục, công bố công khai và minh bạch mã HS của các sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng quản lý, kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương;
Đẩy nhanh việc thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng thông tin Một cửa quốc gia (NSW) theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành Công thương để đáp ứng công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành; và (vi) tăng cường áp dụng biện pháp hậu kiểm và nguyên tắc quản lý rủi ro trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Bộ Công thương xác định cải cách thủ tục hành chính và cải cách hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành là một quá trình liên tục, không có điểm dừng. Do đó, những góp ý, phản hồi của cộng đồng thông qua các kết quả khảo sát độc lập rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc cải cách hành chính của Bộ Công thương.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách năm 2019 của Bộ Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu vấn đề: "Các đồng chí thử tính toán 1 container thông quan nếu cần ‘bôi trơn' 1 triệu đồng thì 1 năm mất hàng chục nghìn tỷ đồng.
Chính những chi phí không chính thức này sẽ ‘giết chết' doanh nghiệp. Tại sao doanh nghiệp Việt Nam mãi không lớn được, lý do cũng một phần do điều đó tạo ra cùng các khoản không chính thức khác".