Gần đây đã có tin rằng, đảng KMT lên kế hoạch mở văn phòng đại diện chính thức tại Hoa Kỳ để tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các chính trị gia Mỹ. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, đại diện cho DPP, cảm tạ Hạ viện Mỹ thông qua Dự luật ủng hộ Đài Loan trở lại Tổ chức Y tế Thế giới. Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, các chuyên gia nói lên ý kiến rằng, cả đảng cầm quyền và phe đối lập ở Đài Loan đang ngày càng phụ thuộc vào Hoa Kỳ và ngày càng ít độc lập hơn trong các hoạt động của họ.
Trong bài bình luận cho Sputnik, chuyên gia Andrei Karneev, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á và châu Phi thuộc Đại học tổng hợp Matxcơva nhận xét rằng, rõ ràng là sự xuất hiện của các tàu chiến Mỹ ở eo biển Đài Loan thể hiện sự hỗ trợ cho chính quyền Đài Loan. Sự hỗ trợ này dựa trên các đạo luật mới của Hoa Kỳ — vào tháng 3 năm ngoái Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký luật mới tạo điều kiện để tiến hành các cuộc thăm viếng giữa quan chức Mỹ và Đài Loan "ở mọi cấp độ", kể cả các quan chức quân đội cấp cao nhất. Chính phủ Mỹ cũng đã thông qua thương vụ 330 triệu USD bán vũ khí cho Đài Loan. Hợp tác quân sự của Đài Loan với Hoa Kỳ khiến Bắc Kinh bực tức, phản ứng gay gắt, nhưng, xét theo mọi việc, chính quyền Mỹ có ý định biến việc cung cấp vũ khí thành một thủ tục thông thường. Vì đây là một trong những đòn bẩy để gây thêm áp lực đối với Bắc Kinh.
Các nhà quan sát cho rằng, quyết định của Quốc dân đảng mở văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ liên quan đến quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan năm 2020, và theo nhận xét của chuyên gia Li Yi từ Viện Nghiên cứu Tài chính Chunyang (Trung Quốc), Hoa Kỳ đang kiểm soát và quản lý Đài Loan.
"Nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Đài Loan không phải là người lãnh đạo khu vực Đài Loan, mà là người đứng đầu văn phòng đại diện của Hoa Kỳ trên đảo. Để tham gia cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, mỗi ứng cử viên trước hết phải vượt qua một "cuộc phỏng vấn" tại Hoa Kỳ và chỉ sau khi nhận được "sự chấp thuận" của Mỹ, ứng cử viên mới có thể tham gia tranh cử".
"Đối với Hoa Kỳ, Đài Loan chỉ là "con tốt" trong "trò chơi địa chính trị" chống lại Trung Quốc đại lục. Sau khi Quốc dân đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2018, Hoa Kỳ tìm cách lôi kéo đảng này về phe mình. Mặt khác, có ý kiến cho rằng, đảng DPP thân Mỹ và chống lại Trung Quốc đại lục phù hợp tốt hơn với nhu cầu chiến lược của Mỹ. Do đó, nhiều khả năng Hoa Kỳ sẽ tập trung hỗ trợ DPP chứ không phải Quốc Dân Đảng. Vì vậy, bây giờ Quốc Dân Đảng cần thực hiện một số hành động nhất định để tranh thủ sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là yếu tố Mỹ đóng vai trò ngày càng tăng trong đời sống chính trị Đài Loan. Trên thực tế, kết quả cuộc bầu cử tại Đài Loan năm 2018 được coi là chiến thắng của Bắc Kinh. Người dân Đài Loan nhận thức được rõ tác động đến khu vực của mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan".
Hóa ra, cả hai đảng đang hướng tới Washington để nhận được sự hỗ trợ thay vì tập trung vào nhu cầu của cử tri. Theo chuyên gia Chen Xiaoxiao, điều đó cho thấy rằng, cả hai đảng DPP và Quốc dân đảng đều không có quan điểm độc lập, do đó không thể giải quyết các vấn đề của Đài Loan.
"Mặc dù trong năm 2018 mối quan hệ giữa Washington và Đài Bắc trở thành chặt chẽ và sâu sắc hơn, nhưng vẫn chưa thấy những thay đổi đáng kể và bước đột phá. Trong đời sống chính trị Đài Loan vẫn "định hướng" vào Hoa Kỳ, Đài Loan vẫn là con át chủ bài của Hoa Kỳ mà họ muốn sử dụng để kiềm chế Trung Quốc đại lục. Nhưng, chính phủ bấp bênh của Trump khó có thể mang lại lợi ích cho Đài Loan. Tuy nhiên, cả đảng DPP muốn tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc đại lục và Quốc dân đảng vừa muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc đại lục vừa củng cố lập trường thân Mỹ, đều ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Hoa Kỳ và mất dần độc lập. Nếu các đảng chính trị và các chính trị gia của Đài Loan không thấy rằng sự thịnh vượng của đất nước không thể đạt được bằng cách "hôn giày Mỹ", thì họ sẽ không nhận được sự ủng hộ của người dân".