Việc đưa công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh công an xã là một chủ trương lớn được Bộ Công an triển khai năm 2018.
Đặc biệt, việc xây dựng công an xã trở thành lực lượng chính quy đã được quy định tại Luật Công an Nhân dân (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ 1/7/2019.
Liên quan đến vấn đề này, Thiếu tướng Lê Văn Cương — nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an cho rằng, việc đưa sỹ quan chuyên nghiệp được đào tạo cơ bản về làm Trưởng, Phó công an xã là cần thiết.
Bởi trận địa chủ yếu hoạt động của lực lượng công an là xã, phường.
Xã, phường mà mạnh thì hoạt động của lực lượng cũng mạnh. Việc đưa lực lượng chuyên nghiệp được đào tạo bài bản về nắm chắc tình hình sẽ làm tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên cho nhân dân.
"Suy cho cùng, hoạt động của lực lượng công an thể hiện ở hai mảng là nắm tình hình và đề ra giải pháp phòng chống tội phạm bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân. Tôi tin, các chiến sỹ được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ bài bản sẽ nắm chắc tình hình hơn. Các cán bộ này kết hợp với lực lượng công an viên, hiệu quả sẽ nâng lên", Tướng Cương nhận định.
Theo ông, khi nắm chắc tình hình thì việc xử lý thông tin, đề ra giải pháp sẽ hiệu quả, kịp thời hơn.
Ông cho rằng, việc thực hiện chủ trương này là cần thiết. Việc này chỉ làm cho lực lượng công an tốt hơn mà thôi.
Bởi nó giúp nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời tình hình ở cơ sở, tham mưu tốt hơn cho cấp ủy, chính quyền.
Bên cạnh đó, ở cấp cơ sở không chỉ có tội phạm mà còn rất nhiều vấn đề người dân bức xúc, khiếu kiện.
Chính lực lượng công an chuyên nghiệp nắm chắc tình hình kịp thời báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ giúp có giải pháp sớm.
"Cho nên, việc đưa công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh công an xã không chỉ để phòng chống tội phạm mà còn giải quyết những bức xúc của người dân. Lực lượng này làm tốt, gần dân, vì quyền lợi chính đáng của người dân, gắn bó với cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng với các hoạt động khác, tôi tin việc khiếu kiện kéo dài sẽ giảm đi. Vì nó được giải quyết từ phường, xã, quận huyện", ông Cương nêu.
Thứ nhất, ông đề nghị Bộ Công an cần tăng cường đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ này.
Lực lượng đưa về xã ngoài huấn luyện đào tạo nghiệp vụ cơ bản trong trường đại học công an cần có khóa bồi dưỡng đặc biệt.
Khóa này có thể kéo dài một 1,2 tháng đào tạo về nghệ thuật phương pháp, cách thức làm việc với người dân. Nội dung này trong trường có đào tạo nhưng rất mỏng.
"Một đại úy ở văn phòng của đội công tác công an huyện, công an tỉnh có yêu cầu khác với một đại úy là trưởng công an xã. Một đại úy là trưởng công an xã ngoài nghiệp vụ, am hiểu pháp luật cần biết quan trọng nhất là hợp tác với chính quyền, các ngành, cấp địa phương", Tướng Cương nêu.
Thứ hai, họ phải được rèn luyện theo 6 điều Bác Hồ dạy.
Khi lực lượng này gần dân, vì dân thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ.
Vì thế, đối với lực lượng này, ông đề nghị với Bộ Công an cần có khóa bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác vận động quần chúng, biết khơi dậy tinh thần, ý thức tham gia phòng chống tội phạm của nhân dân.
Những kỹ năng này nếu là cán bộ ở cấp tỉnh hay Bộ thì yêu cầu khác so với cán bộ về cấp xã.
Thứ ba là về chế độ chính sách, đối với các xã ở đồng bằng thì không lớn nhưng với xã vùng sâu vùng xa thì cần hết sức quan tâm.
"Tôi ví dụ như xã Mường Toong (Điện Biên) chẳng hạn. Đi từ trung tâm xã xuống các bản mất một ngày rưỡi. Rõ ràng với cán bộ đang từ công tác ở công an tỉnh, công an huyện về cắm ở xã vùng sâu, vùng xa sẽ là cả một vấn đề. Vì vậy, họ cần được đãi ngộ xứng đáng. Và cũng cần có chế độ luân phiên công tác ở các khu vực này", ông Cương kiến nghị.
Thứ tư là đối với các đồng chí là Trưởng, Phó công an xã cũ cũng cần có chế độ thỏa đáng để không gây tâm tư. Bởi cuộc sống bình yên cho người dân là điều quan trọng nhất.