Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão gửi tới quý bạn đọc bài viết thứ 5 trong loạt bài hồi ức Một thời Đông Bắc.
Tháng Hai năm 1979, khi Trung Quốc cất quân xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam, ông đang nhận nhiệm vụ công tác tại Quảng Ninh, trực tiếp chứng kiến, trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống xâm lược.
Trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi
Những năm 1977, 1978, quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam rất căng thẳng. Ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam.
Đặc khu Quảng Ninh đã kịp thời thành lập. Ngay lập tức, Hùm Xám Sùng Lãm được cử là Phó Tư lệnh và sau đó hơn một năm là Tư lệnh Đặc khu Quảng Ninh.
Nguyễn Sùng Lãm — Tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, sinh năm 1925, quê quán xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Ông tham gia cách mạng từ tháng 6 năm 1945 và là chiến sĩ của Đệ Tứ Chiến khu Đông Triều lừng danh một thời.
Xuất thân trong một gia đình nông dân yêu nước, luồng gió cách mạng đã cuốn ông vào cuộc đời chinh chiến oai hùng.
Năm 1944, ông vào đội du kích làng. Ngày đó, đội du kích lấy vỏ bọc là đội bóng làng để che mắt bọn địch và hoạt động hợp pháp.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, cả nước đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân, đội du kích làng ông đã tham gia đánh giặc ở bến đò Triều gần nhà, lấy gạo ở thuyền giặc mang về chia cho dân làng, phá phà giặc ở bến Triều và bến đò Mây, tham gia giành chính quyền ở huyện Kim Môn, Hải Dương.
Đối với đồng đội và chiến sĩ ông yêu thương hết lòng, lấy giáo dục làm cốt yếu, trong chiến đấu ông rất nghiêm khắc giao nhiệm vụ cho chiến sĩ, nhưng ngoài giờ nghỉ ngơi ông cùng anh em vui chơi đánh cờ và đá bóng…
Năm 1952, ông được Bác Hồ tặng thưởng huy hiệu của Người vì thành tích "Cán bộ chỉ huy gương mẫu".
Tôi luyện trong chiến đấu, ông được đề bạt lên làm Tham mưu trưởng Sư đoàn 320 và sau đó là Sư đoàn phó rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị — Đường 9.
Tết Mậu Thân 1968, ông được bổ nhiệm vào Bộ Tư lệnh Tiền phương, chỉ huy các trung đoàn tham gia đánh địch ở Huế và làm Tư lệnh Mặt trận B7, Tư lệnh phó Quân khu Trị — Thiên, tham gia Chiến dịch Nam Lào.
Quân Mỹ ở Quảng Trị thời đó cũng đã phải kinh hãi nghe tiếng Sư đoàn 320, vì sư đoàn của ông là một trong những sư đoàn thiện chiến nhất của ta, chiến đấu dũng cảm, đánh đâu thắng đó.
Bọn chúng đã phải rải truyền đơn và đặt giải thưởng rất cao cho ai bắt được tướng "Hùm xám" Việt cộng Sùng Lãm!
Ngày ấy, từ tháng 7 đến tháng 9 năm 1972, ở Quảng Trị mưa tầm tã như trút nước, tất cả các giao thông hào, hầm trú ẩn và hầm chỉ huy ngập đầy nước.
Là Tư lệnh chiến trường nhưng tướng Sùng Lãm cùng với bộ đội mỗi người chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi, ngâm mình cả ngày trong hầm chỉ huy anh em đánh giặc.
Có những đêm ông cùng anh em trinh sát bơi qua sông Thạch Hãn vào thị sát và động viên bộ đội chiến đấu giữ Thành cổ…
Sùng Lãm là một trong những chiến sĩ đầu tiên của Sư đoàn 320. Sư đoàn 320 được thành lập vào đầu tháng 1 năm 1951 với mật danh là "Đại đoàn Đồng Bằng".
Sư đoàn 320 là một trong 6 đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cuộc đời ông đã tung hoành khắp các chiến trường, đặc biệt thời kỳ chống Mỹ cứu nước, ông nổi danh và có nhiều kỷ niệm với con đường Trường Sơn huyền thoại.
Qua những lời tâm sự trong hồi ký của ông, ta có thể hiểu được phần nào về cuộc đời binh nghiệp của ông:
"Năm 1972, tôi là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320B đồng thời là Tư lệnh cánh quân phía Đông, chịu trách nhiệm tiêu diệt địch ở hướng đồng bằng từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế. Chúng tôi đã đánh những trận ác liệt ngay từ những ngày đầu xuất quân để góp phần cùng lực lượng ở hướng Tây như các Sư đoàn 304, 308… giải phóng Quảng Trị.
Đặc biệt, trong 81 ngày đêm chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị, các đơn vị trực thuộc Sư đoàn 320B đã chiến đấu rất kiên cường. Có thể nói đây là một chiến trường vô cùng gian khổ và khốc liệt.
Để có được chiến thắng, không ít chiến sĩ ta đã anh dũng ngã xuống. Trong 81 ngày đêm ấy, trung bình mỗi ngày ta tổn thất một đại đội.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 320B nằm trong đội hình của Quân đoàn 1, cùng với sư đoàn 312 và sư đoàn 338 đánh chiếm các cứ điểm Bến Cát, Thủ Dầu Một, tiêu diệt các đơn vị ngụy quân còn lại của Sư đoàn 5, Sư đoàn 18, Lữ đoàn kị binh số 1 và Lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến;
Sau đó thọc sâu và nội đô Sài Gòn, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Không quân và Bộ Tổng Tham mưu của chính quyền Sài Gòn.
Xuất phát từ Tây Ninh, Sư đoàn làm mũi chủ công ở chính diện phía Đông, giải phóng Kongpong Cham, vượt sông Mê Kông giải phóng phía Bắc Phnom Penh khỏi Khmer Đỏ. Sau đó truy quét tàn quân Pol pot đến tận Xiemriep, Battambang, Sisophon.
Sự sụp đổ của tập đoàn Pol pot — Ieng Sary ở Campuchia đã làm cho các lãnh đạo Trung Quốc ở thời điểm đó không hài lòng. Để cứu vãn tình thế ở Campuchia, ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc đã đánh chiếm các tỉnh biên giới phía Bắc của nước ta."
Trong cương vị Phó Tư lệnh rồi Tư lệnh Đặc khu Quảng Ninh, tướng Sùng Lãm đã ngày đêm lăn lộn trên các địa bàn trọng điểm.
Ông đã nghiên cứu rất kỹ các điểm Thán Phún, Pò Hèn, Đồng Văn, Cao Ba Lanh là những nơi nằm sát biên giới, bị quân Trung Quốc tiến công đầu tiên.
Thán Phún, Pò Hèn, Đồng Văn nơi mà địch dùng 2 sư đoàn tiến công hồi 17 tháng 2 năm 1979 nhưng tất cả đều bị đẩy lùi. Ở Pò Hèn, chỉ trong ngày đầu, chúng đã bị diệt 450 tên.
Trên hướng Quảng Ninh, ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc huy động một bộ phận địa phương quân, biên phòng, dân binh của tỉnh Quảng Tây tiến đánh một số trận địa phòng ngự của ta.
Những trận địa này do các đơn vị thuộc Trung đoàn 41 và 288 Sư đoàn 325B, Trung đoàn 43 và 244 bộ đội địa phương, Đồn biên phòng Pò Hèn… đảm nhiệm ở khu vực Hoành Mô, Đồng Văn (Bình Liêu), Thán Phún (Hải Ninh) và pháo kích vào Thị xã Móng Cái.
Trong các trận tiến công này địch chiếm được bình độ 300, Đồn Pò Hèn và điểm cao 1050 Cao Ba Lanh nhưng đến chiều 19/2 ta phản kích khôi phục lại trận địa 1050.
Ngày 26/2, địch mở đợt tiến công mới nhằm vào khu vực chốt của Trung đoàn 288 Sư đoàn 325B ở điểm cao 1050, 585, đồi Cây Xanh, đồi Không Tên… và ngày 28/2 đánh vào trận địa Trung đoàn 41 Sư đoàn 325B ở điểm cao 500, 600, 781, đồi Khẩu Hiệu…
Các đợt tiến công này đều bị đánh bại.
Chúng chiếm được đồn Hoành Mô và một phần điểm cao 600 và 781 nhưng bị chặn lại trên các hướng khác.
Ngày 4/3, địch tập trung đánh chiếm điểm cao 1050 nhưng một lần nữa bị đẩy lui với thiệt hại nặng nề. Cũng trong ngày hôm đó Trung đoàn 41 Sư đoàn 325B phản kích lấy lại điểm cao 600 và 781.
Đến đây, mọi nỗ lực tấn công vào tuyến biên giới Quảng Ninh của Trung Quốc đã chính thức bị bẻ gãy.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường Đông Bắc, ông được cử là Trưởng đoàn chuyên gia Quân sự Việt Nam tại Cuba. Với kinh nghiệm của mình, ông đã giúp cho bạn rất hiệu quả và được Nhà nước, quân đội và nhân dân nước bạn kính trọng.
Cuộc đời của tướng Sùng Lãm là một tấm gương, đi lên từ người chiến sĩ, rồi kinh qua tất cả các chức vụ để trở thành Sư trưởng Sư đoàn 320 vang lừng chiến công. Ông là vị tướng tài, nổi tiếng khắp các chiến trường.
Tôi có may mắn được sát cánh cùng ông trên chiến trường Đông Bắc vào những tháng năm quyết liệt nhất. Những kỷ niệm về một vị tướng tài ba mãi mãi không bao giờ nhạt phai trong trái tim tôi.
Xuân Kỷ Hợi — Năm 2019