Công tác phòng, chống tham nhũng trong năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả rất đáng khích lệ, tuy nhiên một trong những vấn đề còn tồn tại là tỉ lệ thu hồi tài sản thất thoát do tham nhũng thấp, chưa đạt như kỳ vọng.
Là đại biểu Quốc hội luôn quan tâm sâu sắc đến vấn đề này, ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhiều lần có đề xuất xây dựng, bổ sung một số văn bản pháp luật như Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thuế về tài sản, đặc biệt là bất động sản, kiểm soát chặt chẽ giao dịch dân sự kinh tế hạn chế dùng tiền mặt…để nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát và thu hồi tài sản tham nhũng.
Xung quanh vấn đề này, ông Bùi Văn Xuyền đã trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Theo ông Xuyền, thi hành án đối với bản án tham nhũng đặc biệt là thu hồi tài sản tham nhũng gần đây cũng đã có rất nhiều cuộc giám sát các Ủy ban của Quốc hội.
Qua báo cáo hàng năm của các cơ quan chức năng nhất là cơ quan thanh tra, cơ quan thi hành án thì tỉ lệ thu hồi là rất thấp.
Thời gian gần đây hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng có nâng lên nhưng kết quả thu hồi như vậy vẫn thấp, không như kỳ vọng.
Vì tài sản tham nhũng sau một thời gian thì lượng tài sản này đã thất thoát, bị tẩu tán, phân tán, che giấu, tiêu dùng ra ngoài xã hội nên việc thu hồi là khó khăn.
Để nâng cao hiệu quả thi hành án thì các cơ quan thi hành án, tố tụng đã cố gắng tìm giải pháp, biện pháp kể cả trong khâu xây dựng pháp luật nhưng còn nhiều vấn đề vướng mắc chưa thể giải quyết nhanh.
Ông Xuyền cho rằng: "Giải pháp về quản lý thu nhập, kể cả của cán bộ, công chức, nhất là những người có chức vụ, quyền hạn là rất khó.
Bây giờ, kê khai tài sản, Luật Phòng chống tham nhũng vừa rồi có đưa ra nội dung kê khai tài sản, xử lý tài sản mà vượt quá kê khai, hay kê khai không rõ mà không giải trình được.
Vấn đề này Quốc hội cũng bàn đi bàn lại nhưng cuối cùng vẫn không xử lý được".
Điểm vướng hiện nay theo đại biểu Bùi Văn Xuyền đó là việc chưa có biện pháp xử lý tài sản kê khai không rõ nguồn gốc, không giải trình được.
Chính vì vậy, phương thức xử lý tài sản kê khai không trung thực, không giải trình được đã được Quốc hội bàn mãi.
Rồi thực tiễn các cơ quan, hội thảo khoa học cũng bàn nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào được trong luật.
"Tôi cho rằng việc khó thu hồi tài sản tham nhũng có nguyên nhân từ các quy định pháp luật hiện nay chưa rõ ràng, nhiều nút thắt chưa xử lý được" — ông Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh.
Cũng theo vị này, một vấn đề nữa đó là việc quản lý tài sản thu nhập của người có chức vụ quyền hạn và kể cả người dân chưa được công khai, rõ ràng.
Cơ chế chi tiêu tiền mặt còn rất nhiều, thanh khoản không qua tài khoản nên không kiểm soát được tài sản qua đường lưu thông.
Rồi cơ chế về đăng ký quyền sở hữu tài sản, ô tô, nhà ở, đất đai còn rất nhiều vấn đề bất cập.
Trên cơ sở thuế nhất là bất động sản nhà nước sẽ quản lý được tài sản.
Biết rõ tài sản ấy chính chủ hay không.
Quản lý nguồn gốc của tài sản ghi dấu được lịch sử của tài sản đó.
Hiện nay, chỉ mình có cái nhà thì khai cái nhà còn nguồn gốc ở đâu thì không biết.
"Bây giờ, xử lý tài sản tham nhũng khi ra ngoài xã hội sẽ không biết nằm ở đâu.
Khi kê biên tài sản của người phạm tội thì đến lúc tổ chức phát mại thì phát sinh tranh chấp.
Quá trình xử lý mất rất nhiều thời gian, thi hành án rất khó, mất rất nhiều thời gian, công sức mà tỉ lệ thu hồi không đáng bao nhiêu.
Nhiều trường hợp phải dừng lại để phân chia phần của bố mẹ, anh em" — ông Xuyền cho biết.
Còn ở mình do không chứng minh được nên không thể tịch thu được.
Để ngăn chặn việc kê khai tài sản không giải trình được, ông Bùi Văn Xuyền cho biết, hiện pháp luật mới quy định kỷ luật cán bộ. Nếu như cán bộ thuộc diện ứng cử, đề cử thì buộc phải rút khỏi danh sách.
Cán bộ trong quy hoạch buộc phải đưa ra khỏi quy hoạch. Đó là những quy định nghiêm khắc.