"Nhạt nhẽo", "quảng cáo lố bịch, thô thiển"… là những từ khóa chính trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội khi nói về chương trình Táo Quân 2019.
Nhiều khán giả thẳng thắn cho rằng, Táo Quân 2019 rất không xứng với thương hiệu vốn có khi gây thất vọng vì không có tính chiến đấu như những năm trước, nội dung nhạt, chèn quảng cáo quá thô thiển và dày đặc về một web bán hàng online được ưa chuộng, về các thương hiệu thời trang, hàng không, xe đạp điện, ô tô cho tới một thương hiệu sâm…
Không chỉ nhắc tới tên thương hiệu, các nghệ sĩ còn đọc luôn cả công dụng, slogan của nhãn hàng một cách phản cảm.
Vì thế, không cần chờ chương trình kết thúc, người ta đã liên tục chê bai chương trình và tự hỏi: không biết có phải chương trình thay nhóm viết kịch bản hay đạo diễn hay không?
Nhưng một điều quan trọng hơn được các khán giả đặt ra, đó là: Có phải đã đến lúc dừng chương trình Táo Quân hay chưa?
Chính các nghệ sĩ đóng Táo Quân từng nói rằng, chương trình sẽ chưa dừng lại vì vẫn còn khán giả quan tâm, ủng hộ và khi nào số đông chê nhàm chán, cần thay đổi, những người nghệ sĩ ấy sẽ tự động rút lui. Nhưng rồi sau mỗi năm, mỗi chương trình được phát sóng, cùng với đó là vô số lời chê bai và chương trình vẫn được tiếp tục vào năm sau.
Vậy thế nào là số đông? Chúng đã được đo đếm thế nào? Và những ý kiến chê chương trình có được lắng nghe thật sự?
Một độc giả trên Đất Việt đã viết rằng:
"Có bỏ Táo Quân được không? Bỏ thì dân cũng chẳng mất gì. Tôi thấy trong nam người ta gần như không xem Táo Quân của VTV. Còn ngoài bắc dân vẫn ngóng, vì dân ít nhiều thấy mình trong đó. Giờ thì chẳng thấy đâu nữa.
Chắc năm sau thà bật Bản lắm vợ hay Đại gia chân đất lên mà xem. Đằng nào cũng mang tiếng xem cái nhảm thì rõ ràng mấy cái kia hơn".
Còn một độc giả khác nhận mình là "dân miền nam" viết rằng:
"Xem thì vẫn xem nhưng đánh giá phải đúng nội dung, bản chất sự việc".
Tương tự, nhiều độc giả của các tờ báo khác cũng cùng chia sẻ suy nghĩ này.
Độc giả N.X.Q cho hay anh sống ở nước ngoài, tối 30 Tết cũng mong ngóng được xem Táo Quân, nhưng "lần này thì chán hẳn".
"Càng ngày chương trình càng xuống dốc không phanh! Tệ rất tệ! Có lẽ năm này là năm cuối của chương trình này".
Còn độc giả T.V.Lý đề nghị:
"Nếu quá giảm sức sáng tạo, sang năm nên thôi".
Nhiều năm qua, ý kiến của những người làm trong ngành cũng cho rằng thay đổi là yêu cầu cấp thiết để Táo Quân không bị "giậm chân tại chỗ".
Nhưng rõ ràng ê kíp những người làm chương trình đã chậm thay đổi và rất nhiều khán giả đã hành động trước nhà đài, đó là tự rút lui khỏi chương trình.
Táo Quân càng ngày càng nhạt, nên làm sao đây?
Trên báo Lao động thì chỉ rõ, đây không phải là lần đầu tiên, Táo Quân — chương trình truyền hình đặc biệt thường niên, bị chê bai "tả tơi" sau khi phát sóng vào đêm giao thừa. Năm nay, tình trạng đó lặp lại, và có vẻ mức độ đậm đặc, dữ dội hơn.
Từ đó, có một số ý kiến đề xuất xem xét dừng chương trình Táo Quân, thay thế bằng chương trình khác, đáp ứng kỳ vọng của khán giả đêm giao thừa, của hàng triệu gia đình dịp đoàn viên cuối năm.
Có thể thấy, làn sóng chê bai nói trên phản ánh đông đảo người dân, khán giả vẫn quan tâm, chờ đợi, yêu Táo Quân, và mong muốn chương trình ngày càng hay hơn, hấp dẫn hơn. Sự kỳ vọng quá lớn của đông đảo khán giả đã tạo nên áp lực rất lớn cho những người làm chương trình và làm cho tiêu chuẩn đánh giá trở nên khắt khe, đa chiều.
Hàng triệu tâm tư, ước vọng của khán giả truyền hình cả nước vẫn gửi gắm vào Táo Quân — chương trình đã trở thành "đặc sản" của Đài Truyền hình quốc gia — hi vọng chương trình sẽ thăng hoa cùng với tiếng cười hài hước, trí tuệ của dàn diễn viên đẳng cấp trong thời khắc đặc biệt của năm.
Những hạn chế của chương trình, và lời chỉ trích của khán giả là chính xác, cho thấy Táo Quân cần phải hoàn thiện, thay đổi mạnh mẽ, không thể đi theo những lối mòn. Chương trình đã đi qua 16 năm, với dàn diễn viên cơ bản là cũ, kịch bản cũ, format, kỹ thuật gây cười cũ… nên không còn tạo ra những ấn tượng, cảm xúc mang tính đột phá, mới mẻ đối với khán giả, trong khi thị hiếu và yêu cầu của khán giả truyền hình ngày càng đa dạng, khắt khe.
Ngay cả Chí Trung — diễn viên gạo cội của Táo Quân, vào năm 2018 cũng đã bày tỏ quan điểm sau 15 năm lên sóng, "Táo Quân" nên dừng lại và đổi sang format mới. Đây là ý kiến cần suy ngẫm, vì không có một loại hình giải trí nào trụ được mãi ở đỉnh cao, cần xem xét thay đổi để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng.