Từ hình ảnh Chủ tịch Fidel Castro đến thăm, phất cao cờ giải phóng ở mảnh đất thiêng Quảng Bình, Quảng Trị năm 1973, đến những chuyên gia, những bác sĩ Cuba đang ngày đêm miệt mài cứu chữa cho người bệnh ở Bệnh viện hữu nghị Việt Nam — Cuba Quảng Bình hôm nay, đó như mạch nước ngầm về tình hữu nghị không bao giờ vơi cạn giữa hai dân tộc cách nhau nửa vòng trái đất.
Những chuyện cảm động từ 45 năm trước
Chúng tôi về Khu Giao tế Quảng Bình, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm, kỷ vật về Chủ tịch Fidel Castro khi Người đến thăm Quảng Bình.
Những kỷ niệm về Người vẫn ăm ắp trong lòng người dân vùng cát, chiếc giường năm nào Chủ tịch nghỉ lại vẫn còn đây, chiếc tẩu thuốc lá, chiếc danh thiếp… của Fidel Castro đang được lưu giữ, và Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam — Cuba được Chủ tịch Fidel Castro tặng năm nào vẫn đang hàng ngày là chỗ dựa cho người dân về sức khỏe.
Nhiều lãnh đạo tiền bối ở Quảng Bình kể lại, tối 16/9/1973, đoàn của Chủ tịch Fidel Castro vào thăm và nghỉ lại ở Quảng Bình. Sau bữa cơm chiều hơi muộn, Fidel Castro cùng đoàn tùy tùng nghỉ lại Khu Giao tế Quảng Bình.
Để đảm bảo cho Chủ tịch Cuba có một đêm nghỉ ngơi thoải mái tại Khu Giao tế, UBND thị xã Đồng Hới lúc bấy giờ đã chỉ đạo Ban Quản lý HTX Mộc Hồng Hải cấp tốc điều động những xã viên có tay nghề cao, chỉ trong một ngày đã đóng xong một chiếc giường gỗ có kích thước dài khoảng 1,8m, rộng 1,6m, nhưng Chủ tịch Fidel Castro quá cao lớn, nằm lên giường thừa chân nên cán bộ Khu Giao tế gọi thợ mộc đến thay 2 thanh giường 2 bên, kéo dài chiếc giường ra 2,3 m, rộng 1,8m.
Người hỏi chuyện nhiều cán bộ làm việc ở Khu Giao tế như: Người dân Quảng Bình bắn rơi được nhiều máy bay Mỹ không? Cuộc sống của bà con thế nào? Người dân nơi đây cần gì nhất?…Trong câu chuyện với cán bộ Khu Giao tế, biết bà con vùng cát rất khó khăn trong khám, chữa bệnh, đặc biệt là khi bị trúng bom đạn của kẻ thù, Chủ tịch Fidel Castro đã giúp bà con Đồng Hới, Quảng Bình xây dựng Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam — Cuba Đồng Hới khang trang…
Tình cảm như mạch nước ngầm luôn tuôn chảy
Chiều muộn, trong căn nhà ấm cúng, khang trang vừa được Bệnh viện xây dựng ngay trong khuôn viên làm nơi ở cho các chuyên gia, bác sĩ Cuba, chúng tôi may mắn được gặp bác sĩ Piter Martínez Benítez — chuyên khoa tim mạch can thiệp; bác sĩ Crescencio Anerio Alfonso — chuyên khoa phẫu thuật thần kinh; bác sĩ Aracelio Pê Guevara — chuyên khoa phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và bác sĩ Alfredo Garcia Mirete — chuyên gia ung bướu… Bên ly cà phê, những câu chuyện về tình hữu nghị giữa hai dân tộc, về công việc của các bác sĩ cứ vậy kéo dài tới tận khuya.
Trước đây, nhiều người bệnh ở Quảng Bình thường phải vượt hàng trăm ki-lô-mét để vào Huế, hay ra Hà Nội điều trị, nay nhiều trường hợp khó khăn được các bác sĩ Cuba thăm khám, phối hợp với đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện hội chẩn, chữa trị.
Mới qua Việt Nam chưa lâu nhưng bác sĩ Piter đã tham gia khám cho hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, siêu âm tim và tiến hành những thủ thuật can thiệp như chụp mạch vành, nong mạch vành, đặt stent mạch vành…Khác với vẻ thâm trầm, ít nói của Piter Martínez Benítez, bác sĩ Alfredo Garcia Mirete — chuyên gia ung bướu luôn thường trực nụ cười hóm hỉnh.
Alfredo vào bếp tự tay pha cho chúng tôi mỗi người một ly cà phê, thêm một chút rượu vang rồi ông hỏi mỗi người:
"Thế nào, tay pha chế của tôi có lên được chút nào không?". Con trai đầu năm này đã bước sang tuổi 21, con gái lên tuổi 15, nên các cháu cũng đã tự lập được rất nhiều, bác sĩ Alfredo cho biết vậy.
"Số người đến khám bệnh về ung bướu rất nhiều, và rất đáng tiếc hầu như bệnh nhân gặp bệnh nan y về ung bướu đều đến khám rất muộn, khi bệnh đã ở giai đoạn cuối rồi. Cần khuyến khích, hoặc có cách nào đó để người dân tiếp cận thăm khám ở các bệnh viện, cơ sở y tế nhiều hơn, đừng để khi có bệnh rồi mới khám. Người Việt hay nói câu phòng bệnh hơn chữa bệnh mà…".
Bác sĩ Aracelio Pê Guevara — chuyên khoa phẫu thuật chấn thương chỉnh hình đã tiến hành phẫu thuật thay khớp háng cho nhiều bệnh nhân trên địa bàn tâm sự: Vợ ông cũng làm trong ngành y, ở phòng xét nghiệm, con trai đầu năm này đã 28 tuổi, con gái cũng đã lớn nên khi lên đường sang Việt Nam, trong bữa ăn ấm cúng chia tay gia đình, vợ và các con luôn động viên ông cố gắng làm tốt nhất những gì có thể cho bệnh nhân, cho đất nước Việt Nam yêu quý mà họ luôn nói đến với sự tự hào.
Sáng sớm, khi nhiều người đang chìm trong giấc ngủ thì các chuyên gia, bác sĩ Cuba làm việc ở Bệnh viện Việt Nam — Cuba Đồng Hới đã thức giấc. Họ đi bộ tập thể dục theo các con đường quen thuộc xung quanh bệnh viện. Sau đó các bác sĩ đến chợ, siêu thị trong thành phố tự tay chọn mua thức ăn, các vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày.
"Họ có chuyên môn rất khá, học rất bài bản, cái họ thiếu là kinh nghiệm thôi. Tôi giúp họ và họ cũng giúp tôi, chúng tôi học hỏi nhau. Làm nghề y chỉ chú tâm chuyên môn cũng chưa đủ, mà còn phải như chuyên gia tâm lý với bệnh nhân và người nhà của họ. Nhiều lúc một câu nói, một sự động viên đúng lúc sẽ làm người bệnh có ý chí chiến đấu và chiến thắng bệnh tật, và ngược lại…".