Thực tế, tới hết 9 ngày nghỉ Tết vừa qua, tất cả các trạm thu phí BOT đường bộ cả nước đều hoạt động bình thường. Chỉ duy nhất trạm thu phí BOT cao tốc Pháp Vân — Cầu Giẽ phải xả trạm 1 lần kéo dài 30 phút, vào chiều 8/2 (tức mùng 4 Tết), do ùn tắc. Không có trạm nào xả để miễn phí cho người dân trong những ngày Tết.
Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) — nhà đầu tư BOT cao tốc Pháp Vân — Cầu Giẽ cho biết, dịp Tết năm nay phương tiện qua tuyến tăng cao đột biến so với các Tết năm trước. Dù vậy, việc thu phí vẫn diễn ra bình thường tất cả các ngày, không xảy ra ùn tắc. Duy có chiều mùng 4 Tết, do va chạm giao thông, tuyến đường ùn tắc nên phải xả trạm thu phí Thường Tín (nối cao tốc ra Quốc lộ 1A) trong 30 phút, còn trạm thu phí Pháp Vân vẫn hoạt động bình thường.
"Việc thu phí và giao thông qua tuyến cao tốc Pháp Vân dịp Tết năm nay diễn ra tốt đẹp. Việc ùn ứ xảy ra đoạn vào Hà Nội không phải do trạm thu phí, mà do nút giao Pháp Vân — Vành đai 3 năng lực lưu thông kém, gây ra ách tắc", ông Khôi nói.
Lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường Cao tốc Việt Nam (VEC) — đơn vị quản lý và khai thác nhiều tuyến đường cửa ngõ Hà Nội và TPHCM cho biết, sơ bộ các tuyến cao tốc và trạm thu phí của đơn vị đều hoạt động bình thường trong dịp nghỉ Tết 2019. Dù lưu lượng phương tiện qua các tuyến đường tăng cao hơn rất nhiều so với Tết trước, nhưng tại các trạm thu phí không xảy ra ùn tắc, nên không phải xả trạm.
Theo chủ đầu tư BOT cao tốc Pháp Vân — Cầu Giẽ, ngày thường lưu lượng ô tô qua tuyến đường khoảng 50.000 lượt xe/ngày đêm. Tuy nhiên, trong những ngày nghỉ Tết, lượng xe tăng đột biến, khoảng 100.000 lượt xe/ngày đêm. Đặc biệt, ngày 2/2 (tức 28 Tết), lưu lượng phương tiện qua cao tốc Pháp Vân — Cầu Giẽ đạt kỷ lục 112.000 lượt xe/ngày đêm.
Thực tế, chiều mồng 1 tết (5/2), khi PV Tiền Phong lưu thông qua Trạm BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ, thấy ở đây không xả trạm nhưng bỏ gác chắn. Tuy nhiên, khi phương tiện đi về cuối đoạn tại Ninh Bình lại bị nhân viên truy hỏi vé và dọa phạt. Việc này ít nhiều đã làm chủ phương tiện bối rối và gây ùn tắc cục bộ.
Như Tiền Phong đưa tin, trước kỳ nghỉ Tết 2019, một số nhà đầu tư dự án BOT giao thông đường bộ có văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho miễn thu phí (xả trạm) trong 3 ngày Tết (30 tháng Chạp, mùng 1-2 tháng Giêng), như: BOT Pháp Vân — Cầu Giẽ, BOT Quốc lộ 1 Bạc Liêu và BOT Quốc lộ 1 Sóc Trăng… Phúc đáp các kiến nghị này, ban đầu, Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) không đồng ý, do chưa có quy định và không có trong hợp đồng BOT; chủ đầu tư nào muốn xả trạm phải tự bỏ tiền túi bù vào phần hụt thu trong các ngày dừng thu phí.
Khi Tổng cục Đường bộ yêu cầu các chủ đầu tư bỏ tiền túi mới được xả trạm BOT, các nhà đầu tư chỉ im lặng, không nhà đầu tư nào nhắc lại việc xả trạm để người dân vui xuân, đón Tết nữa. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau, chính Tổng cục Đường bộ lại có văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho các trạm thu phí được miễn phí cho người dân trong 3 ngày Tết, vì lưu lượng phương tiện những ngày này cũng không nhiều. Lúc này, Bộ GTVT quyết định không đồng ý với đề xuất xả trạm của Tổng cục Đường bộ, và yêu cầu các trạm thu phí vẫn hoạt động bình thường. Chỉ xả trạm thu phí khi xảy ra ùn tắc kéo dài.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia giao thông — TS Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản GTVT) và một số chuyên gia khác cùng cho rằng, nếu thực sự vì người dân, các trạm thu phí phải xả chủ yếu những ngày trước và sau Tết, khi người dân đi lại nhiều nhất. Còn nếu chỉ xả trạm 3 ngày Tết, người dân đi lại ít, sau đó lại yêu cầu các quyền lợi khác, như tăng phí, kéo dài thời gian thu phí bù những ngày miễn phí thì không chấp nhận được. Do đó, các chuyên gia cho rằng, kiến nghị của các nhà đầu tư BOT chỉ là chiêu trò truyền thông, trong bối cảnh không ít trạm thu phí bị tài xế phản đối, thực chất không vì người dân.